Áp chao

Áp chao là món quà bánh nổi tiếng độc đáo ở Cao Bằng, bởi phần nhân bên trong bánh không làm bằng thịt lợn, thịt bò... mà được làm bằng thịt vịt lọc bỏ xương rồi cắt miếng nhỏ tẩm ướp với các gia vị kĩ càng để góp phần tạo nên món bánh độc đáo, thơm ngon và vô cùng hấp dẫn trong những ngày đông lạnh.
Nguyên liệu nào để làm nên bánh áp chao không quá cầu kỳ, nhưng đều có vai trò quan trọng như nhau. Đầu tiên gạo làm áp chao gồm cả gạo nếp và gạo tẻ trong đó gạo nếp chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Gạo ngon phải là loại gạo được gieo trồng bằng những nguồn giống bản địa, thường gạo nếp là loại gạo của vùng quê Trùng Khánh, Bảo Lạc; gạo tẻ thường lựa chọn gạo Đoàn kết Trà Lĩnh. Bên cạnh đó, còn phải có thêm đỗ tương nguồn gốc xuất xứ vùng Quảng Uyên, hạt to vừa phải, lòng vàng óng. Có như vậy, mới tạo ra vỏ bánh vừa giòn nhưng lại vừa đảm bảo độ mềm dẻo. Ngoài ra, còn phải lựa có thêm khoai môn (khoai tàu) vừa bở vừa thơm.
 
Bánh Áp chao được vớt ra để ráo mỡ  (Ảnh : Lục Niên).

Dụng cụ làm bánh là một chiếc khuôn cán dài có hình dáng như bông hoa nhiều cánh. Người làm bánh khéo léo lấy thìa cho bột vào chiếc khuôn sau đó gắp một miếng thịt vịt đã tẩm ướp đặt lên tiếp theo lại cho thêm một thìa bột phủ lên, rồi từ từ thả khuôn bánh vào chảo dầu đang sôi sùng sục. Khi bánh xe xe lại dùng đũa  nhẹ nhàng đẩy nhẹ, bánh từ từ rời khỏi chiếc khuôn xinh xắn và nổi lên trong chảo dầu, rồi được chao qua chao lại cho hai mặt vàng ruộm đến khi hương thơm tỏa ra hấp dẫn, sau đó vớt ra để ráo mỡ là có thể sẵn sàng thưởng thức.

Để tăng thêm hương vị cho món bánh áp chao thêm hấp dẫn và đậm đà, còn phải chuẩn bị thêm thịt vịt tẩm ướp đủ vị rồi đem chao; nộm đu đủ xanh; nước giấm đã pha với đủ loại gia vị và các loại rau thơm, sà lách ăn kèm.
Bánh được ăn kèm với các loại rau (Ảnh : Lục Niên).

Những ngày trời se lạnh, ngồi bên quán cóc ven đường nghe tiếng sèo sèo của áp chao trong chảo mỡ, rồi tiếng kéo tách tách cắt từng chiếc bánh giòn thơm, kẹp với miếng thịt vịt thơm lừng không có gì tuyệt vời hơn thế. Vị ngọt đậm của bánh và thịt vịt, vị chua chua, ngọt ngòn, cay cay, mằn mặn của nước chấm, vị thanh mát, tươi non của rau xanh thật là độc đáo. Lâu lâu một luồng gió thoảng nhè nhẹ lướt qua cuốn theo hương vị ngào ngạt của thịt vịt, của bánh áp chao lan tỏa cả một khoảng không gian ngày đông. Hương vị ấy, đã níu chân biết bao người, bởi ai đã từng được thưởng thức món áp chao rồi chắc hẳn sẽ nhớ mãi không quên./.
 
Theo cách làm truyền thống, gạo nếp, gạo tẻ được trộn cùng với nhau, đỗ tương được ngâm riêng. Tuy nhiên cả gạo và đỗ đều cần ngâm trước từ 6 - 8 tiếng cho gạo nở mềm. Gạo ngâm xong đem xay, ép thành tinh bột mịn khô rồi hòa với nước đỗ tương để ra hỗn hợp bột sánh đặc cuối cùng tạo thành vỏ bánh. Khoai môn được bào thành những sợi nhỏ, trộn với hỗn hợp bột làm bánh nhưng chỉ sau khi bột đã được nhào kỹ, trộn các gia vị cần thiết. Sau đó, bột được ủ thêm khoảng ba đến bốn tiếng trước khi đem chao để đảm bảo độ nở hoàn hảo nhất
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay580
  • Tháng hiện tại9,650
  • Tổng lượt truy cập295,571
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây