Dẻ Trùng Khánh là loài cây đặc sản của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, với điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với khu vực địa lý đặc thù của huyện Trùng Khánh, cây dẻ phân bố chủ yếu ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450 - 600m, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây
Cây dẻ có tên khoa học là Castanea Mollissima được người Pháp di thực vào nước ta hơn trăm năm nay. Cây dẻ có chiều cao 10-16m, cây lâu năm có đường kính gốc đến 0,5m. Dẻ được trồng ở nhiều nơi, nhưng chỉ ở huyện Trùng Khánh cây cho chất lượng và sản phẩm tốt nhất. Huyện Trùng Khánh có diện tích trồng dẻ trên 240ha, tập trung ở các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu và Thị trấn Trùng Khánh
.
Vườn trồng cây dẻ của nông dân huyện Trùng Khánh. Ảnh: Lục Niên
Hạt dẻ còn gọi là “Mác lịch”, được ví như quà tặng của đất trời cho Cao Bằng, từ bao đời nay, hạt dẻ đã gắn bó mật thiết và là thứ đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Hạt dẻ Trùng Khánh có vị ngọt, bùi, thơm khác hẳn so với hạt dẻ của các địa phương khác. Quả dẻ có nhiều gai xù xì, vào cuối thu, khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm là đến vụ thu hoạch hạt dẻ, khi chín quả chuyển sang màu nâu, quả dẻ sẽ tách vỏ và rơi xuống đất, mỗi quả có khoảng 2 - 3 hạt, sau khi thu hoạch thường được chế biến ngay, nếu để lâu hạt sẽ hỏng, kém chất lượng. Hạt dẻ có thể chế biến được nhiều món ăn theo các cách khác nhau, từ đơn giản như: luộc, rang, nướng,... Khi chế biến, vì vỏ hạt dẻ cứng, nên khứa vào hạt trước khi luộc kỹ rồi vớt ra rang chín, khi đó nhân hạt dẻ có màu vàng tơ, vị bùi, thơm ngậy. Hạt dẻ còn được chế biến cầu kỳ hơn như: cốm hạt dẻ, xôi hạt dẻ, gà hầm hạt dẻ, chân giò hầm hạt dẻ,...
Quả dẻ chín và tách vỏ. Ảnh : Lục Niên
Với những giá trị riêng có, năm 2011, hạt dẻ Trùng Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định giá trị to lớn của loại sản phẩm đặc sản địa phương, đem lại ý nghĩa quan trọng về thương mại, du lịch. Để phát triển vùng trồng cây dẻ tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phát triển cây dẻ Trùng Khánh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hình thành vùng sản xuất tập trung cây dẻ có quy mô 1.000 ha, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trên cơ sở mở rộng diện tích sản xuất song song với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường, đồng thời giới thiệu, quảng bá sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh gắn với quảng bá khu du lịch Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, đẩy mạnh phát triển mạng lưới dịch vụ thu hút khách tham quan vùng trồng dẻ và các sản phẩm từ hạt dẻ, góp phần phát triển thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh./.