Những kết quả trong hoạt động khoa học công nghệ và xây dựng nông thôn mới
Thứ hai - 05/05/2025 22:36
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cao Bằng được thành lập ngày 01 tháng 6 năm 2005. Trải qua 20 năm xây dựng phấn đấu và trưởng thành, Liên hiệp Hội chủ động tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, Liên hiệp Hội đã góp phần tích cực trong hoạt động khoa học công nghệ và xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng.
Hoạt động khoa học công nghệ và môi trường: Trong 20 năm qua, Liên hiệp Hội đã chủ trì phối hợp với Sở khoa học và công nghệ, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn thanh niên... tổ chức thành công Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, Tổ chức 2 lần “Sự kiện sáng tạo khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Hội thi và sự kiện đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của quần chúng, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; Điển hình như Công ty Điện lực Cao Bằng, Công ty cổ phần sản xuất Vật liệu Xây dựng, Công ty cổ phần Mía đường, Viễn thông Cao Bằng, Trung tâm Công nghệ số và Truyền thông Sở Thông tin và Truyền thông, trường Trung học phổ thông Chuyên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng và nhiều doanh nghiệp, cá nhân...
Liên hiệp Hội đã chủ trì 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh gồm: + Đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất 1 số giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng, kết quả nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2005-2015 tại tỉnh Cao Bằng” chủ nhiệm đề tài: Kỹ sư Hoàng Thị Bình - thư ký: Kỹ sư Nông Quốc Huân (đề tài thực hiện từ năm 2016 - 2018). + Đề tài: “ Phục hồi, bảo tồn di sản văn hoá Dá Hai Thông Huề xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”. Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Lê Chí Thanh, thư ký: Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung (đề tài thực hiện từ 2019 - 2021). + Đề tài: “Nghiên cứu, bảo tồn những giá trị di sản ở Cao Bằng liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương” chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Nông Hải Pín, thư ký: Cử nhân Đinh Ngọc Viện (Đề tài thực hiện từ 2022 - 2025).
Các đề tài đều được đánh giá cao, có tính ứng dụng và phát huy trong thực tiễn; việc thực hiện đề tài đã thu hút được trí thức, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia.
Nhóm thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu, bảo tồn những giá trị di sản ở Cao Bằng liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương”
tổ chức Hội thảo " Thục Phán - An Dương Vương với Cao Bằng".
Ngoài ra, các Hội thành viên thuộc Liên hiệp hội đã tích cực trong công tác nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến, kỹ thuật thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, điển hình là: Hội Điều dưỡng, Hội Y Dược học, Hội Đông y, Hiệp Hội Doanh nghiệp,... Liên hiệp hội luôn chú trọng việc xây dựng mô hình ứng dụng Khoa học kỹ thuật và sản xuất: Từ năm 2015 - 2017, Liên hiệp Hội đã phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các doanh nghiệp: Công ty TNHH công nghệ sinh học Ngân Hà, Công ty giống Nông Lâm nghiệp Hoà An, xây dựng các mô hình đem lại hiệu quả rõ rệt. + Năm 2015: Xây dựng mô hình “Liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ nếp hương Bảo Lạc và nếp Pi pất Cao Bằng” - mô hình triển khai tại xã Xuân Trường Bảo Lạc: 10 ha, xã Vĩnh Quang, xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng): 20ha. + Năm 2016: Xây dựng mô hình “Liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ nếp ong Trùng Khánh” - mô hình triển khai tại 3 xã Ngọc Khê, Ngọc Côn và Phong Châu với diện tích 40 ha. + Năm 2017: Xây dựng mô hình “sản xuất và tiêu thụ giống lúa thuần chất lượng cao” tại xã Cai Bộ huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hoà) với diện tích 30ha.
Xây dựng mô hình “sản xuất và tiêu thụ lạc giống vụ xuân và vụ thu tại xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng với diện tích 20ha”. Các mô hình đã đạt kết quả tốt đưa năng xuất lúa nếp từ 30 - 35 tạ/ha lên 40-45 tạ/ha; Lúa thuần chất lượng cao PC26 đạt năng suất 64 tạ/ha; Năng suất lạc từ dưới 20 tạ/ha lên 24 tạ/ha vụ xuân và 20,2 tạ/ha vụ hè thu. Đến nay toàn tỉnh có diện tích lúa nếp chất lượng cao trên 500ha, lúa thuần chất lượng cao Japonica trên 200 ha; Tạo được liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ nông sản góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Để tăng thêm các nguồn lực thực hiện mô hình Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp (Công ty phân bón và hoá chất dầu khí miền Bắc, Công ty vật tư nông nghiệp Trường Linh, Công ty sản xuất nông nghiệp Ba Sạch) thực hiện các mô hình : + Năm 2020: Xây dựng mô hình ứng dụng phân bón Phú Mỹ trong sản xuất lúa tại xã Hưng Đạo thành phố Cao Bằng và thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An (diện tích 1,2 ha) đã đạt năng xuất 50 tạ/ha. Mô hình bón phân cho cây ăn quả (quýt 3ha) tại xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (nay là huyện Trùng Khánh). + Năm 2021: Xây dựng mô hình trồng 8,3 ha đỗ tương tại xã Ngọc Động huyện Quảng Hoà. + Từ năm 2022 - 2024: xây dựng 02 mô hình bảo vệ môi trường “hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần” tại khu du lịch Thác Bản Giốc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh và xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho nông dân sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường từ mây tre đan, trúc, vải, giấy....; nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Liên hiệp hội và các Hội thành viên phối hợp với Sở tài nguyên và môi trường đẩy mạnh công tác tập huấn tuyên truyền, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, phối hợp với hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Phia Oắc - Phia Đén, báu vật thiên nhiên Quốc gia” (năm 2014), góp phần hoàn thành bộ hồ sơ trình bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, trình Chính phủ quyết định công nhận “vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén”; Tổ chức nhiều hội thảo quan trọng về môi trường, góp phần tham mưu cho tỉnh về cơ chế chính sách phù hợp bảo vệ môi trường như: “Thực trạng và giải pháp bảo vệ nguồn nước Sông Hiến” (2012), “Một số giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới” (năm 2017) “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” (năm 2016 )
Liên hiệp hội tích cực tham gia chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới: 15 năm qua (2000 - 2025), thực hiện chương trình phối hợp với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban dân tộc, Liên hiệp hội tỉnh triển khai trên 100 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức, ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất cho hàng vạn lượt người... Tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật gắn với mô hình cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn nông thôn. Qua các hội nghị và kết quả xây dựng mô hình, đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, phát huy nội lực tại chỗ và kiến nghị với các cấp liên quan những biện pháp cần khắc phục trong quá trình thực hiện chương trình MTQG XDNTM. + Năm 2017, UBND tỉnh giao cho Liên hiệp Hội và Sở thông tin truyền thông hỗ trợ, giúp đỡ xã Lương Can, huyện Thông Nông (nay là huyện Hà Quảng) xây dựng nông thôn mới giai đoạn (2017 - 2020); Hai đơn vị đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ xã thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, thành lập tổ công tác (do đồng chí Phó chủ tịch Liên hiệp Hội là tổ trưởng), thường xuyên trao đổi tham mưu góp ý xã Lương Can thực hiện hiệu quả kế hoạch, rà soát, kiểm tra đôn đốc thực hiện các tiêu chí; vận động nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới (trên 200 triệu đồng). Đến năm 2020, xã Lương Can đã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. + Năm 2022, UBND tỉnh Cao Bằng giao cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên giúp đỡ xã Phi Hải phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 12/9/2022) Liên hiệp Hội đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc phụ trách giúp đỡ xã Phi Hải xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đã tổ chức hỗ trợ xã đánh giá thực trạng, xây dựng và tư vấn kế hoạch triển khai, tổ chức 12 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường, tư vấn pháp luật theo yêu cầu của địa phương; Tích cực vận động các nhà hảo tâm, phối hợp với liên hiệp Hội Việt Nam và đóng góp của các Hội thành viên, xoá nhà dột nát - xây mới 03 nhà trị giá 207 triệu đồng, xây dựng 15 nhà vệ sinh (hỗ trợ 30 triệu đồng và 1,6 vạn viên gạch), tặng 40 xuất học bổng (trị giá 20 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khá khăn vươn lên trong học tập, tặng áo đồng phục, chăn, đồ dùng học tập, quà cho các em học sinh (trị giá trên 150 triệu đồng), tặng quà cho 40 hộ nghèo và gia đình chính sách (trị giá 30 triệu đồng). Chương trình giúp đỡ xã Lương Can và xã Phi Hải của Liên hiệp Hội đã được địa phương đánh giá cao. Ngoài ra Liên hiệp Hội còn tích cực vận động các nhà hảo tâm trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Năm 2012 - 2013 Liên hiệp Hội đã tham gia vận động việt kiều Mỹ đến khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo (6000 người); Năm 2016, phối hợp với Câu lạc bộ y bác sĩ Hà Nội tổ chức khám bệnh và phát thuốc, tặng quà cho 900 người tại 03 xã Quang Trung, Tri Phương, Xuân Nội huyện Trà Lĩnh (nay là huyện Trùng Khánh) số tiền trên 200 triệu đồng; phối hợp với Bệnh viện đa khoa thành phố Cao Bằng khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 100 người dân xã Lương Can (số tiền 20 triệu đồng).
Với những thành tích đã đạt được, nhân dịp tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 Liên hiệp Hội đã được UBND tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen. Nhìn lại 20 năm qua được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Hoạt động khoa học công nghệ của Liên hiệp Hội tỉnh Cao Bằng đã đạt 1 số kết quả tốt đẹp, nhiệm vụ tham gia chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới có nhiều đổi mới và hiệu quả. Trong thời gian tới Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy kết quả đạt được thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.