Cần chú trọng đến phổ biến kiến thức khoa học cho người dân

Thứ tư - 27/11/2019 21:44
“Để KH&CN trở thành động lực và ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, y tế… thì công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức người dân cũng như các cấp quản lý là hết sức quan trọng”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ.
1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông khoa học tới người dân. 

Khẳng định tại hội thảo “Đẩy mạnh truyền thông về ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực nông nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Gia Lai tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Techdemo 2019, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Hiện nay, việc truyền tải thông tin truyền thông về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối phong phú thông qua các kênh báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình... tương đối dễ hiểu, dễ nhớ, chính xác, chân thực. Tuy nhiên cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông hơn, phát hiện ra được những vấn đề mới về KH&CN, chia sẻ với những người làm KH&CN, đưa thông tin đến với công chúng một cách gần gũi, dễ hiểu, mang KH&CN đến gần với người dân.

Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Trung tâm) chia sẻ thêm, trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nông nghiệp luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là ngành mũi nhọn quan trọng. Đảng và Nhà nước đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa vào KH&CN và ưu tiên đầu tư cho KH&CN.
 

2

Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN trao đổi tại hội thảo.

“Để triển khai được các mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp thì công tác truyền thông giữ vai trò rất quan trọng. Bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống, thì truyền thông bằng các phương thức mới như trên mạng xã hội cũng là vấn đề cần quan tâm lưu ý trong thời gian tới”, ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cũng khẳng định, thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại ở các quốc gia tiên tiến cũng như ở Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và với phát triển nông nghiệp nói riêng.

“Với sự áp dụng nhanh chóng các thành tựu mới của công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào đời sống và sản xuất, báo chí, truyền thông đã và đang trở thành phương tiện, điều kiện cơ bản quan trọng hợp thành động lực phát triển xã hội”, ông Kpă Thuyên khẳng định.

Dưới góc độ là đơn vị triển khai thực tế, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa chia sẻ: Để góp phần nâng cao dân trí và trình độ nhận thức của người dân ở vùng nông thôn, giúp họ tiếp cận với những kiến thức KH&CN tiên tiến thì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KH&CN về nông thôn cần được đẩy mạnh và có sự chia sẻ, liên kết thông tin đa chiều.

“KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh Thanh hóa thời gian qua. Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông KH&CN nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp”, ông Chọn nói.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa cũng cho rằng, khó khăn lớn  nhất trong việc tuyên truyền thông tin KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đó là nông dân ở vùng sâu, vùng  xa trình độ dân trí còn thấp, khả năng tin học hạn chế. Do đó, để nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học công nghệ cho người dân nông thôn phải tăng cường đẩy mạnh đào tạo nhân sự truyền thông cấp cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất hỗ trợ công tác truyền thông.

Thẳng thắn nêu quan điểm tại Hội thảo, ông Phan Thanh Thiên, Tổng giám đốc công ty Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh cho hay, doanh nghiệp hiện nay có thể khai thác tìm kiếm thông tin, cơ chế, chính sách thông qua một số website của Bộ KH&CN, tạp chí, báo chí… Tuy nhiên hiện nay các thông tin, cơ chế, chính sách từ Bộ KH&CN chưa tiếp cận rộng rãi tới doanh nghiệp; hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho doanh nghiệp ứng dụng phát triển khoa học công  nghệ… Mặc dù có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng các doanh nghiệp thì vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin KH&CN và ứng dụng triệt để vào doanh nghiệp mình.

“Trong thời gian tới tăng cường hơn nữa những thông tin về cơ chế chính sách để doanh nghiệp tiếp cận đến các thông tin về KH&CN trong nước và thế giới; cần có thêm nhiều chương trình Hội thảo trực tiếp phát trên các phương tiện thông tin đại chúng để Doanh nghiệp được tiếp cận tới các chính sách cơ chế mới”, ông Phan Thanh Thiên kiến nghị.

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay436
  • Tháng hiện tại4,980
  • Tổng lượt truy cập318,968
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây