Bệnh dại và công tác phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2017-2021

Thứ bảy - 25/12/2021 21:30
Bệnh Dại là bệnh do vi rút hướng thần kinh gây viêm não tủy cấp tính và là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Bệnh đã được ghi nhận và mô tả cách đây 3.000 năm. Bệnh Dại có thể gặp ở tất cả các loài động vật máu nóng và lây truyền cho người chủ yếu thông qua các chất bài tiết có nhiễm vi rút Dại từ vết cắn, vết liếm của động vật mắc Dại
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh Dại ở người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn tới tử vong. Khi đã lên cơn Dại, tỷ lệ tử vong là 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh Dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại. Tiêm vắc xin Dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh Dại. Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh Dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo Luật Thú y, bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch, đồng thời thuộc danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người.

Cao Bằng là tỉnh có gần 80% dân số sống ở vùng nông thôn, với tập quán nuôi chó, mèo nhằm mục đích trông giữ nhà là chủ yếu một số ít nuôi làm thương phẩm với phương thức nuôi chăn thả tự do chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ngoài ra, ở khu vực thành phố và thị trấn các huyện người dân đã bắt đầu nuôi chó cảnh, chó lai theo phương thức chủ yếu là nuôi nhốt, xích hoặc thả trong khuôn viên gia đình. Là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi, địa hình phân cách, đường xá đi lại khó khăn cho nên công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa thay đổi được ý thức và hành vi của người chăn nuôi, do vậy người dân chưa quan tâm đến việc nuôi nhốt chó, mèo; xích hoặc rọ mõm khi cho chó ra đường; chưa chấp hành việc đăng ký nuôi chó, mèo theo quy định mà chủ yếu là thả rông theo phương thức nuôi truyền thống. Chính vì vậy dịch bệnh Dại ở chó, mèo vẫn xuất hiện tại các địa phương, cụ thể: năm 2017 có 20 con chó mắc bệnh Dại (tại các huyện Quảng Hòa 6 con, Thạch An 6 con và Nguyên Bình 8 con); năm 2018 có 17 con chó mắc bệnh Dại tại huyện Nguyên Bình; năm 2019 có 04 con chó mắc bệnh Dại tại huyện Nguyên Bình; năm 2020 có 10 con chó mắc bệnh Dại (tại các huyện Bảo Lạc 01 con, Nguyên Bình 01 con Thạch An 06 con và Trùng Khánh 02 con); 9 tháng đầu năm 2021 có 04 con chó mắc bệnh Dại tại Thị trấn Bảo Lạc. Như vậy, trong giai đoạn 2017-2021, tình hình bệnh Dại trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm dần qua các năm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp chó cắn người phải điều trị dự phòng, thậm chí gây tử vong cho người (năm 2017 có 02 ca tử vong, năm 2020 có 01 ca tử vong); đồng thời kết quả tiêm phòng văc xin cho đàn chó nuôi đạt thấp (khoảng 20% so với tổng đàn chó nuôi) và tập quán nuôi chó thả rông tự do như hiện nay thì nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Trên địa bàn thành phố vẫn còn hiện tượng chó thả rông ngoài đường.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu những tổn thất về kinh tế và con người do bệnh Dại gây ra, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và đạt được kết quả như sau:

1. Giải pháp quản lý hành chính
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2019 về việc thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2019-2021. Hàng năm, đều ban hành Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng vắc xin dại chó cho các huyện, thành phố; phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác tiêm phòng, tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh Dại và quản lý đàn chó (mèo) nuôi; tổ chức bắt chó thả rông nơi công cộng.
Việc thực hiện các biện pháp hành chính đã nâng cao ý thức của người dân trong việc tiêm phòng văc xin dại cho chó, mèo; tỷ lệ người dân nuôi nhốt, xích, rọ mõm cho chó được nâng lên; một số địa phương yêu cầu cán bộ, đảng viên, người dân ký cam kết không thả rông chó, thực hiện tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều tồn tại như công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên; công tác quản lý, xử lý, xử phạt hành chính chó thả rông, không tiêm phòng văc xin chưa thực hiện thường xuyên, triệt để.

2. Giải pháp về kỹ thuật
a) Quản lý đàn chó nuôi
Trong những năm trước, cơ quan chuyên môn đã in ấn sổ quản lý đàn chó cấp cho các xã và sổ đăng ký nuôi chó gửi cấp xã để cấp cho các hộ nuôi chó. Đến nay, một số phường và khu vực thị trấn, thị tứ công tác quản lý chó mèo đã được thực hiện khá tốt, người nuôi chó mèo đã có ý thức nuôi nhốt chó trong khuôn viên gia đình, xích, rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng; thực hiện tiêm phòng cho chó; thông tin báo cáo khi phát hiện ca nhiễm bệnh Dại. Hàng năm, việc triển khai bắt chó thả rông cũng được một số địa phương tổ chức thực hiện song không được thường xuyên nhưng cũng đã tác động đến ý thức của người dân trong việc nuôi nhốt chó hoặc xích, rọ mõm, có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Tuy nhiên, công tác quản lý đàn chó hiệu quả chưa cao, do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp, chưa bố trí được nguồn kinh phí để tuyên truyền thường xuyên; người nuôi chó chưa quan tâm, tự giác thực hiện đăng ký, khai báo với chính quyền cơ sở, tiêm vắc xin phòng Dại, chưa có ý thức thực hiện nuôi nhốt, xích, rọ mõm, có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; nuôi chó thả rông còn phổ biến nên số lượng người bị chó cắn, tai nạn giao thông do chó còn xảy ra.
b) Tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi
Hàng năm, UBND tỉnh đều giao chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin dại chó cho các huyện, thành phố. Cơ quan chuyên môn của tỉnh xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ, văc xin để tiêm phòng. Kết quả tiêm phòng như sau: năm 2017 có 11.350/58.566 con chó được tiêm phòng văc xin, tương ứng 82,64% kế hoạch, bằng 19,38% so với tổng đàn; năm 2018 có 16.690/ 61.724 con chó được tiêm phòng văc xin, tương ứng 67,84% kế hoạch, bằng 27,04% so với tổng đàn; năm 2019 có 13.214/61.416 con được tiêm phòng văc xin, tương ứng 52,86% kế hoạch, bằng 21,52% so với tổng đàn; năm 2020 có 11.198/ 64.423 con được tiêm phòng văc xin, tương ứng 43,40% kế hoạch, bằng 17,38% so với tổng đàn; 9 tháng đầu năm 2021 có 7.176/64.665 con được tiêm phòng văc xin, tương ứng 41,40% kế hoạch, bằng 11,10% so với tổng đàn.
c) Xử lý các ổ dịch Dại
Công tác điều tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn được quan tâm thực hiện, nhằm phát hiện và sử lý kịp thời khi có ca bệnh xảy ra theo quy định. Bên cạnh đó, khi có người tử vong do bệnh Dại cơ quan thú y phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng cùng cấp tiến hành điều tra ổ dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên người và động vật. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, dập dịch như tiêu hủy chó mắc bệnh theo yêu cầu kỹ thuật thú y; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại hộ có chó phát bệnh và khu vực xung quanh; quản lý, giám sát chặt chẽ những động vật bị chó phát bệnh cắn; vận động người bị chó phát bệnh cắn đến Trung tâm Y tế để được tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại.
d) Giám sát dịch bệnh
Công tác giám sát dịch bệnh chủ yếu là thực hiện giám sát lâm sàng trên đàn chó, mèo nuôi, chưa thực hiện được việc lấy mẫu giám sát chủ động về sự lưu hành của bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.
e) Thông tin tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền đến người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại, xử lý vết thương và điều trị dự phòng khi bị chó cắn được thực hiện trong năm 2018-2019 tại 199 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh như sau: Truyền thông bằng xe lưu động của Phòng Văn hóa-Thông tin tuyên truyền các huyện, thành phố trên toàn tỉnh được 02 lượt/năm; Phát thanh trên hệ thống loa đài của 199 xã/phường/thị trấn, khu dân cư tập trung trong thời gian triển khai tiêm phòng định kỳ; Mở chuyên mục "Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2019-2021" trên Báo Cao Bằng (cả báo giấy và báo điện tử) được tổng số 10 bài.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn tại địa phương lồng ghép các buổi họp thôn/xóm để thực hiện tuyên truyền cho người dân về trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia nuôi chó; hướng dẫn, khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; chú trọng tuyên truyền, phổ biến mức xử lý vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định về nuôi chó, cấm thả rông chó và tiêm phòng bắt buộc cho chó, trách nhiệm dân sự khi không tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi.

Trong thời gian tới, để từng bước kiểm soát, khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi vào năm 2030 nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng, tổ chức, cá nhân cần thực hiện tốt những giải pháp sau:
Quản lý đàn chó, mèo: Lập danh sách hộ nuôi chó mèo và thống kê số lượng chó, mèo nuôi thực tế của từng hộ; cam kết nuôi nhốt, xích trong khuôn viên của gia đình, đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng.
Tiêm phòng vắc xin: Hàng năm, tiến hành thống kê tổng đàn chó trên địa bàn các xã, phường, thị trấn để xây dựng kế hoạch và tiến hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại triệt để cho đàn chó, mèo nuôi nhằm tạo miễn dịch chủ động.
Xử lý ổ dịch Dại: Khi có ca bệnh dại xảy ra cần tiêu hủy ngay chó, mèo chết do bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại; Khoanh vùng dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại khẩn cấp cho đàn chó, mèo ở vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; nuôi nhốt tất cả chó, mèo trên địa bàn xóm có dịch trong vòng 21 ngày để theo dõi dịch bệnh.
Giám sát lưu hành bệnh: Tổ chức giám sát các ca bệnh Dại trên động vật thông qua hệ thống thú y cơ sở và các nguồn thông tin khác từ cộng đồng. Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm đối với các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh Dại; Tiến hành điều tra, truy tìm nguyên nhân và nguồn truyền lây bệnh đối với các trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh Dại.
Thông tin tuyên truyền: Tăng cường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể phổ biến tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm phòng, vận động người dân tích cực tiêm vắc xin phòng bệnh Dại định kỳ cho đàn chó, mèo nuôi.
Các giải pháp quản lý hành chính.
Tiếp tục xây dựng, ban hành Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn tiếp theo. Tăng cường kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tác giả bài viết: Đoàn Thị Thắm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay349
  • Tháng hiện tại4,502
  • Tổng lượt truy cập318,490
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây