Từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Nguồn ngân sách tỉnh, các Dự án đóng trên địa bàn và sự hỗ trợ của các Công ty giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp đã triển khai, phối hợp với cơ sở thực hiện được 45 chương trình, dự án, mô hình thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp với 727 ha diện tích sản xuất, hỗ trợ trên 8000 con giống vật nuôi, thủy sản. Đơn vị có hệ thống chuồng trại nuôi gia súc (lợn) đảm bảo đủ tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học với 29 ô chuồng, diện tích 0,3 ha. Trong thời gian qua, đơn vị tập trung thử nghiệm và sản xuất các loại lợn giống bản địa như lợn Hương, Tắp Ná, lợn Hạ Lang... với số lượng 397 con giống, xuất bán hơn 300 con lợn; nuôi dưỡng cá bố mẹ và sản xuất con giống các Trắm cỏ và các giống cá khác đạt trên 4.417.800 con; cung ứng cá giống các loại đạt trên 4.993.051 con; sản xuất thóc giống Đoàn kết xác nhận 1, nếp Pì Pất... tổng khoảng 6 tấn/năm; cung ứng giống cây ăn quả các loại (lê, bưởi) khoảng 8000 cây/năm; Tổ chức 44 lớp tập huấn đào tạo (đối tượng là cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân) tổng số lượt người được hưởng lợi là 2353 người. Các hoạt động đều được triển khai đúng kế hoạch và đạt kết quả như mong đợi, được người dân đánh giá cao.
Trong các chương trình khuyến nông được triển khai thực hiện, có nhiều dự án, mô hình hiệu quả được người nông dân tiếp nhận, duy trì và nhân rộng, điển hình như:
Khuyến nông trồng trọt, lâm nghiệp
Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh - cây mỡ và keo lai mô” thực hiện từ năm 2016 – 2019, diện tích 92 ha tại 3 huyện: Thạch An, Hòa An và thành phố Cao Bằng. Hiện nay, các hộ gia đình đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật được chuyển giao trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, từng bước mở rộng diện tích và phát triển rừng theo hướng bền vững, hiệu quả góp phần tạo nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng, tăng nguồn thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc, giảm xói mòn rửa trôi đất, bảo vệ môi trường sinh thái;
Tập huấn kỹ thuật vin cành lê.
Năm 2016, mô hình "Ứng dụng giống lúa thuần chất lượng dòng Japonica vào sản xuất gắn với định hướng thị trường” được triển khai tại xã Dân Chủ, huyện Hòa An với quy mô 10 ha. Hiện nay diện tích gieo trồng tăng lên 50 ha, tập trung tại các huyện: Hòa An, Quảng Hòa và thành phố Cao Bằng, năng suất đạt 60 – 65 tạ/ha, chất lượng gạo thơm, ngon được thị trường ưa chuộng. Đầu ra của sản phẩm được Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Hòa An thu mua và bao tiêu sản phẩm.
Cây Lê vàng địa phương và Lê xanh VH6 là đối tượng cây ăn quả được Trung tâm chú trọng gìn giữ, đầu tư và phát triển. Từ năm 2016, Trung tâm phối hợp với Hội làm vườn Việt Nam triển khai dự án "Xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp hiệu quả, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ở một số tỉnh phía Bắc" – tập trung trồng mới và chăm sóc cây lê VH6 với diện tích hỗ trợ trồng và chăm sóc ban đầu là 10ha tại xã Quang Thành, Vũ Nông, huyện Nguyên Bình; 10ha tại xã Cao Chương, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh. Toàn bộ diện tích đều sinh trưởng phát triển tốt, hứa hẹn những mùa quả bội thu. Bên cạnh đó, năm 2019, bằng nguồn vốn địa phương, Trung tâm đã triển khai mô hình Phát triển cây lê vàng địa phương, quy mô 01 ha tại xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng. Mô hình được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ Dự án mang lại, người dân tại các xã lân cận của huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hà Quảng đã học tập kỹ thuật của dự án và tiến hành trồng mới, cải tạo vườn lê sẵn có của gia đình, tổng diện tích hiện có trên 190ha.
Năm 2020, Trung tâm triển khai mô hình “Ứng dụng kỹ thuật làm giàn kiên cố vin cành cây lê” kết hợp chăm sóc thâm canh đối với 0,15 ha vườn lê VH6 được 5 năm tuổi của 02 hộ tại xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, nguồn ngân sách địa phương. Từ hiệu ứng của mô hình, từ hiệu quả của việc tập huấn kỹ thuật mở rộng theo phương pháp lớp học hiện trường khi thực hiện mô hình, năm 2021, bà con nông dân trong và ngoài xã Quang Thành đã tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ ... tự dựng giàn vin cành lê cho khu vườn của gia đình, đến nay diện tích được nhân rộng lên đến 7 ha.
Khuyến nông chăn nuôi, thủy sản
Dự án sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh Miền núi biên giới phía Bắc thực hiện năm 2015 tại Huyện Hà Quảng, hỗ trợ 01 hộ với 01 hệ thống máy ấp, nở công suất 11.500 quả, đến nay, các hộ gia đình vẫn duy trì hoạt động hệ thống máy ấp nở đã được hỗ trợ và trang bị thêm 01 hệ thống máy ấp nở công suất 11.500 quả, 02 hệ thống máy ấp nở công suất 500 quả, cung ứng số lượng con giống gia cầm đảm bảo tiêu chuẩn giống tại chỗ cho huyện Hà Quảng và các huyện lân cận;
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp triển khai mô hình “Ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học sau Dịch tả lợn Châu Phi”. Mô hình được thực hiện với mục tiêu nâng cao sức đề kháng của vật nuôi và hạn chế dịch bệnh xảy ra, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đồng thời, nâng cao được sự hiểu biết của người dân về chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Công tác vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu độc được thực hiện thường xuyên, sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn cho lợn làm giảm đáng kể mùi hôi do phân thải ra, xây bể biogas để xử lý phân và nước thải từ chăn nuôi lợn... Mô hình phù hợp với địa phương, cần tiếp tục duy trì và có thể nhân rộng trên địa bàn toàn xã đặc biệt là trong bối cảnh Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp mà vẫn cần tái đàn lợn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.
Mô hình sản xuất giống gia cầm.
Năm 2020, Trung tâm chủ trì thực hiện Dự án “Chăn nuôi Lợn Hương, lợn Táp Ná sinh sản” tại xã Hòa Chung, thành phố Cao Bằng có 30 con cái và 3 con đực giống lợn Hương với 6 hộ nông dân tham gia; tại Xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng 50 con cái và 5 con đực giống lợn Táp Ná với 10 hộ nông dân tham gia. Đây sẽ là nguồn cung ứng lợn con giống Táp ná và lợn Hương chất lượng tốt trên địa bàn trong những năm tiếp theo.
Mô hình nuôi cá lồng hồ chứa thủy điện và trên sông tại các huyện như: Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa được triển khai qua các năm, được sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của người dân, đầu ra sản phẩm ổn định. Chỉ tính riêng năm 2020, mô hình nuôi cá lồng hồ chứa thủy điện tại Xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa đã thu hút được 7 hộ tham gia với quy mô 10 lồng. Đến năm 2021, nhận thấy được hiệu quả từ mô hình mang lại, nhiều hộ dân tại huyện Quảng Hòa đã học tập và tự đầu tư, nhân rộng và phát triển lên đến trên 40 lồng nuôi cá, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Mặc dù các mô hình Khuyến nông triển khai hiệu quả song, nguồn ngân sách cho hoạt động khuyến nông vẫn gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng và nhân rộng mô hình từ nguồn ngân sách địa phương chủ yếu mới triển khai được ở quy mô nhỏ, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đơn giản, với những đối tượng cây trồng, vật nuôi có chu kỳ kinh doanh ngắn ngày, đối tượng hưởng lợi chưa được nhiều.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khuyến nông phát triển mạnh mẽ hơn. Định hướng quan trọng và xuyên suốt giai đoạn đó là Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Đề án số 21-ĐA/TU ngày 30/8/2019 của Tỉnh ủy Cao Bằng về nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; Nghị quyết số 47/2020/NQ/HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ban hành Quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông địa phương từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 19/5/2021 phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Bế Xuân Tiến, - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: Ngành khuyến nông Cao Bằng cần khắc phục mọi khó khăn để chuyển mình bắt kịp với xu hướng thị trường, biết tận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương cho hoạt động khuyến nông, xây dựng được nhiều mô hình khuyến nông điển hình để người dân học tập và làm theo. Đặc biệt là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, gìn giữ, bảo tồn các nguồn gen quí, các sản phẩm đặc hữu; tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi, khắc phục sản xuất sau dịch bệnh. Coi mỗi mô hình là một “tiểu dự án” và theo chuỗi giá trị, cần có sự đầu tư xuyên suốt từ khâu lựa chọn điểm sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng công tác nhân rộng mô hình, tuyên truyền những mô hình có hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của toàn ngành, thúc đẩy thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới”.