Năm 2009, tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp, ngành lâm học, Hoàng Thị Hương về nhận công tác tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Cao Bằng, được phân công về khoa Kỹ thuật Nông lâm và Chăn nuôi thú y, đảm nhận công tác giảng dạy các lớp nghề: Trồng trọt, Khuyến nông lâm và Quản lý tài nguyên rừng. Môi trường làm việc phù hợp cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, chị có cơ hội tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó các đề tài chủ yếu liên quan đến cây trồng.
Đến tháng 11/2019, trường sáp nhập thành Cơ sở 2 Trường Trung cấp Nghề Cao Bằng, với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng công nhân kỹ thuật; nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan đến các nội dung đào tạo của trường; liên kết với các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học sản xuất kinh doanh trong nước và nước ngoài …vì vậy công tác nghiên cứu và áp dụng đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào trong công tác giảng dạy luôn được Chi bộ Đảng và Ban lãnh đạo nhà trường quan tâm chú trọng.
Với cương vị là Trưởng khoa Kỹ thuật Nông lâm và Chăn nuôi thú y, một trong những khoa chủ chốt của nhà trường, bản thân chị luôn hiểu điều không thể thiếu đó là người giáo viên muốn dạy giỏi phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, kiến thức xã hội sâu sắc cả bề rộng và bề sâu, có phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, bản thân chị không ngừng tự học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không chỉ thông qua những trang giáo án mà còn đổi mới phương pháp dạy và học bằng những hoạt động thực tiễn xây dựng các mô hình nghiên cứu khoa học và áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào trong công tác giảng dạy. Chị đã chủ trì một số đề tài, sáng kiến như: "Chế biến phân xanh từ rác thải có nguồn gốc thực vật", đạt giải A, “Chế phẩm sinh học thuốc trừ sâu từ cây Thàn mát (Mác bát) với nồng độ 1%”, đạt giải A Ngày phụ nữ sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ II năm 2015. 2 sản phẩm trên được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, khuyến khích áp dụng trong sản xuất; mô hình “Trồng thử nghiệm cây Chùm ngây - Moringa”, “Trồng thử nghiệm cây Đậu bắp (Abelmoschus esculentus) tại Cao Bằng”đạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 6 (2016 - 2017); “Nghiên cứu xác định cây trội làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Trám đen (Canarium tramdenum) tại huyện Hòa An” đạt giải ba hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 6 (2018 - 2019).
Chị Hoàng Thị Hương chăm sóc cây cảnh tại Trại cây giống của nhà trường
Trong suốt quá trình nghiên cứu đề tài, chị thường xuyên có mặt tại vườn trường để theo dõi thực nghiệm, nắm tình hình dịch bệnh, các vấn đề phát sinh khác. Chị Hương chia sẻ: Trong quá trình thực hiện đề tài, chị tâm đắc nhất đề tài “Nghiên cứu xác định cây trội làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Trám đen tại huyện Hòa An”. Hòa An là huyện được đánh giá có điều kiện tự nhiên thuận lợi so với các huyện khác trong tỉnh, nhưng đất đồi núi chiếm tới 2/3 diện tích huyện, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Cùng với hệ thống cây bản địa đa tác dụng khác có ở địa phương như: Dẻ Trùng Khánh, dẻ gai đỏ, sấu, trám trắng, trám chim, trám ba cạnh... thì cây trám đen cho thu nhập cao nhất. Tuy nhiên, số lượng cây trám đen cho năng suất ổn định, chất lượng quả tốt, hiện còn rất ít ở xã Đại Tiến, Ngũ Lão,... một số cây đã già cỗi và thoái hóa. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu lựa chọn những cây trám đen có năng suất, chất lượng tốt để lưu giữ và phát triển nguồn gen chưa được quan tâm, nhất là việc lựa chọn các tiêu chí để đánh giá cây trội trám đen tại huyện Hòa An. Do đó, việc thực hiện đề tài là rất cần thiết nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, năng suất và một số đặc điểm ưu việt của cây trám đen trên địa bàn huyện. Trám đen là cây gỗ lâu năm thuộc hệ cây trồng bản địa của tỉnh nếu được nhân rộng sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, phát huy tối đa tác dụng điều hòa nguồn nước, điều tiết dòng chảy, hạn chế xói mòn rửa trôi trên đất dốc..., từ đó bảo vệ môi trường, nước, không khí...
Với đề tài này, từ năm 2015 - 2017, chị Hương chọn giải pháp kết hợp 2 phương pháp đánh giá sinh trưởng và năng suất của cây trám đen theo “Tiêu chuẩn nhân giống cây trồng lâm nghiệp” và phương pháp điều tra lâm học thông thường, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn cao. Quá trình nghiên cứu đã lựa chọn được 43 cây trội, làm cơ sở cho việc nhân giống, ghép cành, qua đó giảm chi phí mua cây giống, thời gian ra hoa, kết trái nhanh, giảm chi phí trong sản xuất. Trước đây cây trám đen bản địa chủ yếu trồng bằng hạt, cây con phải từ 7 - 8 năm mới đậu quả, nay áp dụng khoa học kỹ thuật bằng phương pháp ghép cây, sau 2 năm trồng cây đã sai hoa, đậu quả, cây con lưu giữ được phẩm chất di truyền tốt từ cây mẹ. Đề tài được thực hiện tại 8 xã: Bình Dương, Bình Long, Dân Chủ, Công Trừng, Hà trì, Ngũ Lão, Nguyễn Huệ, Quang Trung, Đề tài đã xác định được bộ tiêu chuẩn gồm 6 tiêu chí để lựa chọn cây trội, người dân có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chọn nhân giống trám đen tại địa phương, đồng thời các tiêu chuẩn được đưa vào giảng dạy môn Cây lâm nghiệp cho học sinh từ khoá 39 - 42, chuyên ngành Khuyến nông lâm và trồng trọt đang học tập tại trường.
Chị Hương cho biết thêm: Công việc chính của chị là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tuy nhiên với môi trường làm việc thoải mái, sự tạo điều kiện của đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường, chị dành thời gian thực hiện các đề tài mà mình tâm huyết, chị muốn cống hiến để ngày càng có nhiều đề tài được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả vào thực tế.
Với những thành tích đạt được trong công tác giảng dạy cũng như thực hiện sáng kiến, đề tài, nhiều năm liên tục chị Hoàng Thị Hương đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cơ sở; danh hiệu đoàn viên công đoàn xuất sắc trong phong trào “Thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh”, chị được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen Lao động sáng tạo; UBND tỉnh tặng Bằng khen; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng giấy khen.