Đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Thứ ba - 12/03/2024 05:49
Cao Bằng có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản, có giá trị thương phẩm, lợi thế cạnh tranh cao. Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng, chỉ đạo thực hiện. Từ đó, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, mang đặc thù của địa phương, được thị trường chào đón, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hiện tỉnh có gần 90.000 ha cây trồng chính như lúa, ngô, 30.000 ha trồng các cây ăn quả và chăn nuôi, hơn 50.000 ha phù hợp trồng các cây công nghiệp ngắn ngày như: hồi, thuốc lá, mía, đỗ tương, thạch đen, bí xanh, lạc. Cao Bằng có 24 nguồn gen cây trồng đặc sản, gồm 10 nguồn gen cây lương thực, thực phẩm, 9 nguồn gen cây ăn quả, 5 nguồn gen cây lâm nghiệp và cây trồng lâu năm; 10 giống động vật nuôi bản địa, chất lượng tốt.
Xuất phát từ thực tiễn, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn chú trọng quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp thu, từng bước làm chủ và đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật công nghệ cho chủ thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng vào thực tế sản xuất. Điển hình như công nghệ nhà lưới, nhà màng, tưới nước tiết kiệm, quy trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học... Quá trình này được thực hiện gắn kết chặt chẽ với việc khai thác, phát triển các giống cây, con có giá trị kinh tế, năng suất, chất lượng cao và có lợi thế, đặc trưng của mỗi địa phương trong tỉnh như: sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân; sản xuất lê vàng cho năng suất, chất lượng cao; sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc, dong riềng và một số cây dược liệu quý; thâm canh cải tạo vùng chè Đoỏng Pán gắn với chế biến tạo sản phẩm OCOP; nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ cây hồi; chọn và nhân giống cây mác ca theo hướng thâm canh năng suất; xây dựng quy trình sản xuất tinh dầu và phát triển một số sản phẩm từ quả quýt; quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo nếp Ong; mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ; liên kết sản xuất gạo đặc sản nếp Hương; nhân giống cây và chế biến các sản phẩm từ hạt dẻ…
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tăng cường quản lý của các cơ quan, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, khuyến nông viên cơ sở tích cực đồng hành cùng với người dân, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác... trong việc tư vấn, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào thâm canh trồng trọt và chăn nuôi, sản xuất và nuôi thương phẩm các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; tư vấn cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển tài sản và trí tuệ; tiến hành các thủ tục đăng ký, sở hữu. Một số sản phẩm nông nghiệp được cấp chỉ dẫn địa lý, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể như:quýt, hạt dẻ Trùng Khánh; miến dong Nguyên Bình, Trúc sào Cao Bằng.
Mô hình trồng dưa trong nhà màng của gia đình chị Đàm Thị Thảo, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà (Hà Quảng) được lựa chọn là mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh của huyện Hà Quảng. Chỉ một năm trước đây, khu đất rộng hơn 1.000 m2 được gia đình chị dùng để trồng lúa và ngô. Nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, ngay khi huyện có chương trình hỗ trợ nông dân triển khai mô hình sản phẩm nông nghiệp sạch, gia đình chị Thảo đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng mua trang thiết bị và một số vật tư nông nghiệp để trồng các loại dưa sạch tại Pác Bó Farm. Chị đã trồng thành công, gối vụ hơn 4.000 cây dưa hấu, dưa lê, dưa lưới, dưa chuột; sản lượng thu hoạch khoảng hơn 3 tấn dưa các loại/vụ. Trung bình mỗi vụ, gia đình chị thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng. Nhờ sự cần cù chịu khó và áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chỉ sau 1 năm đã thu lại được vốn đầu tư ban đầu và bước đầu có lãi để xoay vòng sản xuất.
Nắm bắt được xu thế phát triển nông nghiệp thông minh, HTX nông nghiệp Trường Anh, xã Hưng Đạo (Thành phố) đầu tư hơn 5 tỷ đồng thực hiện mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại trên 4 ha với các loại cây trồng chủ lực gồm dâu tây, ngô ngọt, dưa lưới. Chủ đầu tư đầu tư trang bị hệ thống máy móc, thiết bị chăm sóc cây trong nhà lưới với đồng hồ cảm biến nhiệt độ, hệ thống phun sương tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống tưới châm phân với bồn chứa riêng biệt giúp cây trồng tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt hơn cách làm nông nghiệp truyền thống. HTX chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phân bón được sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân tự ủ lên men từ trứng, sữa, đậu nành, chuối… giúp tăng hương vị thơm ngọt cho trái. Sản phẩm của HTX được chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP 3 sao và được thị trường ưa chuộng.
Giám đốc HTX nông nghiệp Trường Anh, xã Hưng Đạo (Thành phố) Đoàn Thu Trà chia sẻ: Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng được “ăn” một lượng nước vừa đủ, không gây lãng phí, đem lại hiệu quả cao.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh định hướng và xây dựng cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KHCN. Hằng năm, ngân sách sự nghiệp tỉnh bố trí từ 9 - 11 tỷ đồng cho các nhiệm vụ KHCN, nghiên cứu trên các lĩnh vực, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông sản, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Sau triển khai, nhiều đề tài, dự án được đưa vào ứng dụng trong thực tế, điển hình như: phục tráng, bảo tồn, phát triển các loại lúa đặc sản, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng, hoàn thiện quy trình sản xuất giống lúa và thâm canh chuyển giao cho địa phương áp dụng, mở rộng sản xuất, năng suất, sản lượng tăng từ 15 - 20%.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp như: Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi”, tại xã Bình Long và Bế Triều (Hòa An); mô hình “Nhân giống lạc L14 vụ Hè thu tại xã Lê Lai (Thạch An); Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hương Cao Bằng tại Thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng);… Cùng với đó, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, trong đó, ước năm 2023 toàn tỉnh có 146 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận đạt Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) 3 sao, 4 sao. Điển hình như sản phẩm sản phẩm; Miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á; Thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; sản phẩm Hồng trà, Lục trà của Công ty TNHH Kolia đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn nhỏ ở trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia...
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo quyết liệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất và các kế hoạch đã được ban hành. Tích cực tham mưu, chỉ đạo đẩy nhanh phát triển sản xuất; khuyến khích các chủ thể sản xuất chuyển đổi phương thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tập trung phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản. Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển các thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân để thúc đẩy quá trình đưa KHCN vào sản xuất.