Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường

Thứ tư - 22/05/2024 23:44
Trường Chính trị tỉnh Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại địa phương
Theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ghi rõ: “trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương”. Do đó, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học của trường là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Nhà trường.
Trong những năm qua Trường đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từng bước được nâng cao; đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường từng bước được chuẩn hoá về số lượng và trình độ; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường được quan tâm đảm bảo chất lượng; cơ sở vật chất không ngừng được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Việc nâng chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường đã định hướng, cung cấp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên những thể chế, kiến thức cơ bản, khắc sâu nội dung bài giảng, làm cho bài giảng có sức thuyết phục.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới, nhất là trong quá trình xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW (Theo Quy định Số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn gồm 6 tiêu chí lớn: (1) Thể chế, quy định; (2) Đội ngũ cán bộ, viên chức; (3) Hoạt động đào tạo bồi dưỡng; (4) Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (5) Xây dựng văn hóa trường đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; (6) cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính, trong đó bao gồm 55 tiêu chí thành phần) thì các mặt công tác của Trường còn một số bất cập. Trình độ, kinh nghiệm, năng lực công tác của một bộ phận cán bộ, giảng viên còn có hạn chế; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đang đặt ra; công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của tỉnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn có nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Trước thực tế như vậy, ngày 21/4/2022, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Đề án số 12-ĐA/TU về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đạt chuẩn mức 1 giai đoạn 2021-2025.

Từ khi có Đề án xây dựng trường chuẩn mức độ 1, Nhà trường đã chủ động, tích cực đưa công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường thành nền nếp; chất lượng nghiên cứu khoa học của trường, của từng khoa, từng giảng viên được nâng lên. Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đã bám sát nhiệm vụ chính trị cũng như bám sát các nghị quyết của Đảng, đảng bộ, chương trình, giáo trình của Học viện để xác định các chủ đề nghiên cứu nhằm làm rõ, làm sâu sắc hơn các nội dung chương trình, phục vụ cho công tác giảng dạy của từng môn học, phần học. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024, trường chính trị Hoàng Đình Giong đã triển khai nghiên cứu 12 đề tài khoa học cấp trường, hiện đang nghiệm thu 03 đề cương sơ bộ; đăng ký và được phê duyệt thực hiện 2 đề tài khoa học cấp tỉnh; tổ chức 04 cuộc hội thảo cấp tỉnh, 07 cuộc hội thảo cấp trường; Trang điện tử của Trường định kỳ định kỳ xuất bản 2 số /năm, cuốnThông tin Lý luận và thực tiễn 3 số/trên năm; 111bài viết của giảng viên được đăng trên trang điện tử và trang Thông tin lý luận và thực tiễn của Trường, 21bài viết được đăng tạp chí có chỉ số ISSN; 60 bài viết trên trang điện tử báo ngành của địa phương; tham mưu 01 cho Tỉnh ủy 01 Đề án..,

 Thực hiện hướng dẫn của Học viện về biên soạn tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương” thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn, trường đã hoàn thành biên soạn và được Học viện tổ chức thẩm định, nghiệm thu đạt yêu cầu được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung cấp lý luận chính trị.

Trường cũng đã tham gia viết bài tham luận hội thảo liên trường, cụm thi đua với những chủ đề rất thiết thực đối với đội ngũ giảng viên. Giảng viên trường đều tham gia viết bài hưởng ứng cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát động; chủ động tìm tòi và có những nghiên cứu chuyên sâu. Những nội dung nghiên cứu tập trung làm rõ hơn, sâu sắc hơn về phương pháp, nội dung khai thác, phát triển các phần học, các nội dung về lý luận ứng dụng vào thực tiễn công tác giảng dạy. Nhiều bài viết đã được đăng tải trên các bản tin, kỷ yếu hội thảo khoa học và trên tạp chí. Những bài viết có chất lượng này đã có sức lan tỏa, là cơ sở để cán bộ, giảng viên các trường tham khảo, nghiên cứu, học tập.

Có được kết quả nêu trên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã ban hành bộ quy chế về quản lý đào tạo sát với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong tình hình mới.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho các giảng viên, quan tâm lắng nghe ý kiến đề xuất, góp ý của giảng viên, do vậy đã kịp thời giúp các giảng viên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn vẫn còn một số hạn chế. Số đề tài khoa học (nhiệm vụ khoa học) cấp tỉnh chưa nhiều. Việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa toàn diện, chất lượng chưa cao; các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, hội thảo khoa học cấp tỉnh còn ít; các đề tài nghiệm thu chủ yếu ở mức độ đạt, chưa có công trình nghiên cứu mang tính mới, đột phá, áp dụng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Chưa có sự đồng bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và đào tạo, bồi dưỡng. Nguyên nhân của những hạn chế trong nghiên cứu khoa học là do:

Trình độ nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đều vẫn còn tình trạng giảng viên chưa nắm vững phương pháp nghiên cứu; chất lượng hoạt động khoa học chưa cao. Một số giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học mang tính đối phó, viết bài để bảo đảm quy định về định mức nghiên cứu khoa học, chất lượng bài viết nghiên cứu chưa sâu. Nhiều giảng viên chưa thực sự chủ động chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ yếu tập trung vào việc soạn bài, giảng dạy các lớp được giao, mà chưa nhận thức rõ nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, làm tốt hơn chức trách nghề nghiệp nhà giáo;

Các bài viết nghiên cứu khoa học chất lượng chưa đồng đều. Một số tác phẩm khoa học chưa giải quyết được những tồn tại từ thực tiễn. Bao năm qua, những câu khẩu hiệu thường đề cập đến tại các bài nội san là “Nâng cao”, “Một số giải pháp”, “Đẩy mạnh”, “Phát huy”,.. Phần nhiều, các bài viết khoa học để phục vụ cho việc tính giờ nghiên cứu khoa học.

Nhà trường chưa thiết lập được mối quan hệ thường xuyên với đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học. Sở khoa học công nghệ và Uỷ ban nhân dân tỉnh là đơn vị quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ về hoạt động nghiên cứu khoa học. Trường nên chăng cần chú ý đến sự phối hợp này để hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường đặt trong bức tranh nghiên cứu khoa học chung của địa phương.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại địa phương nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, cá nhân tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, sự quan tâm và hướng dẫn của sở Khoa học và công nghệ là một cơ sở quan trọng để phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường

Thứ hai, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm định hướng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của các giảng viên như: Nêu chủ đề để giảng viên tham gia viết bài; hỗ trợ, định hướng các khoa chuyên môn tổ chức các hội thảo khoa học cấp khoa; thiết lập các diễn đàn nghiên cứu khoa học là cơ hội để giảng viên được chia sẻ, giao lưu và học hỏi với các đồng nghiệp trong hoạt động khoa học.        
 

Thứ ba, mỗi giảng viên trường chính trị cần nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ý thức rõ việc nghiên cứu khoa học là trau dồi tri thức để nâng cao trình độ. Nâng cao chất lượng sáng kiến, kinh nghiệm, kiến nghị được đúc kết từ các kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của cá nhân, tập thể nhà trường để tư vấn chính sách với địa phương. Mỗi giảng viên trường chính trị cần tiếp tục được bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu từ kỹ năng xây dựng thuyết minh đề tài, đấu thầu, mời chuyên gia nghiên cứu... Nỗ lực nghiên cứu lý luận kết hợp tổng kết thực tiễn của địa phương để làm rõ và giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Thứ tư: phải tạo được phong trào thi đua sôi nổi trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát huy sáng kiến trong cán bộ, giảng viên, nhân viên. Có cơ chế khuyến khích giảng viên nêu những ý tưởng khoa học, các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương. Đồng thời có cơ chế tạo động lực bằng những chế độ, thù lao đối với các đồng chí giảng viên phụ trách nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và biểu dương, khen thưởng những cá nhân có thành tích trong nghiên cứu.

Thứ năm, sự tiên phong của lãnh đạo nhà trường trong công tác nghiên cứu khoa học sẽ tạo sức lan tỏa trong thực tiễn nghiên cứu khoa học, đồng thời góp phần tạo dựng uy tín cá nhân trong hoạt động quản lý đối với lĩnh vực này.
Trên đây một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Như vậy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn vừa là nhiệm vụ, vừa là biện pháp quan trọng để Trường Chính trị Hoàng Đình Giong nâng cao chất lượng, nâng cao vị thế, vươn lên xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đồng thời, tham gia tích cực, có hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, góp phần xây dựng chủ trương, chính sách ở tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn hiện nay./.

Tác giả bài viết: Đinh Thị Thúy Hường - Trường Chính Hoàng Đình Giong

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay389
  • Tháng hiện tại9,459
  • Tổng lượt truy cập295,380
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây