Tiến sĩ Nông Hồng Thái, Nhân cách - Trí tuệ - Cống hiến
Thứ tư - 27/09/2023 04:48
Tiến sĩ Nông Hồng Thái, người con của Cao Bằng sống một cuộc đời với nhân cách lớn, trí tuệ mẫn tiệp cống hiến cho quê hương, cho nhân dân Cao Bằng nhiều thành quả trên những chặng đường phát triển. Là tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Sinh ra ở làng Gia Cung, phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng, là học sinh khóa đầu của trường phổ thông cấp 3 thị xã Cao Bằng. Học hết cấp 3 ông theo học và tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), được cử đi nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (năm 1974). Ông là tiến sĩ nông học, người dân tộc Tày Cao Bằng đầu tiên có học vị này khi tuổi đời còn rất trẻ. Về nước, ông làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái. Ngay từ những năm đầu ông đã có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Tham gia đào tạo cán bộ giảng dạy (bậc thạc sĩ) của trường. Đó là những cống hiến ban đầu trên con đường học tập, nghiên cứu giảng dạy của một trí thức nhiều tiềm năng.
Năm 1981, tiến sĩ Nông Hồng Thái trở về quê hương Cao Bằng, lần lượt được giao giữ các cương vị lãnh đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà vẫn say mê, trách nhiệm trong việc đào tạo những trí thức có trình độ cao, tham gia, tư vấn nhiều công trình nghiên cứu khoa học góp phần đưa khoa học kỹ thuật vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm đầu thập niêntám mươi thế kỷ trước là những năm cực kỳ khó khăn của đất nước mà Cao Bằng là một trong những tỉnh khó khăn nhất. Đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh biên giới cực kỳ khốc liệt. Trăn trở với việc thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam và đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cao Bằng vẫn là tỉnh miền núi kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp. Phải tập trung nhân lực, vật lực cho sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo quyết liệt sản xuất và thâm canh cây trồng đạt kết quả cao về năng suất, chất lượng tạo khả năng tự cân đối lương thực trong địa bàn tỉnh. Các xã Hưng Đạo, Bế Triều, Vĩnh Quang (Hòa An) là các điển hình về thâm canh lúa trên diện rộng đạt năng suất từ 50 đến 60 tạ/ha. Các xã như: Tà Lùng, Đại Sơn, Hồng Quang (Quảng Hòa) sử dụng giống đỗ tương mới DT80 đạt năng suất từ 15-18 tạ/ha, gấp 3 lần so với giống cũ…
Trong những tháng ngày khó khăn đó, người dân các địa phương luôn thấy hình ảnh của nhà khoa học - Nhà quản lý, giám đốc Sở Nông nghiệpNông Hồng Thái có mặt ở các địa phương, trực tiếp chỉ đạo sản xuất, vượt qua khó khăn cùng người dân, vui niềm vui được mùa cùng nhân dân. Đó là phong cách lãnh đạo được nhân dân quý trọng và tin tưởng. Cũng chính những chuyến đi vào vùng trồng mía Phục Hòa ông đã hướng dẫn nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Bình hoàn thành và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ “Trồng cây đỗ tương xen cây mía”. Đó chỉ là một trong những việc làm với phong cách gần dân, vì dân, nói đi đôi với làm của ông.
Những đóng góp có hiệu quả như thế đã nâng tầm uy tín của tiến sĩ Nông Hồng Thái. Năm 1989, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. Năm 1991, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng (2 khóa liên tiếp), là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII. Ông còn giữ nhiều cương vị công tác như: Bí thư huyện ủy Hòa An, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, là đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992), trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng khóa IX (1992-1997).
Trên cương vị lãnh đạo mới - Tiến sĩ Nông Hồng Thái bằng trách nhiệm công dân cao cả, lòng nhiệt tâm cách mạng đã hoàn thành rất xuất sắc trách nhiệm được giao phó. Ông chú tâm đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ lãnh đạo kế cận cho tỉnh Cao Bằng. Nhiều cán bộ chủ chốt các ngành, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng được ông đào tạo, dìu dắt đã trở thành những cán bộ Đảng gương mẫu, có năng lực cao. Và một điều như là vĩ thanh về cuộc đời, sự nghiệp của tiến sĩ Nông Hồng Thái là sự đam mê, trách nhiệm cao cả của ông. Với ông, cuộc đời là được cống hiến và cống hiến hết mình.
Năm 2000, tiến sĩ Nông Hồng Thái - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng về nghỉ hưu tại quê nhà. Vừa rời nhiệm sở ông đã nhận lời xây dựng Hội Khuyến học tỉnh Cao Bằng - Một lĩnh vực công tác mang nhiều chất nhân văn và khoa học. Với cương vị chủ tịch hội, ông đã cùng tập thể lãnh đạo hội ra sức xây dựng Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học các huyện đạt kết quả cao.
Năm 2005, ở tuổi ngoài 70, một lần nữa Tiến sĩ Nông Hồng Thái lại nhận trách nhiệm đứng ra để tạo dựng một Hiệp hội mới: Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ Thuật tỉnh Cao Bằng. Ông lập tức bắt tay vào việc xây dựng liên hiệp với mười hội thành viên, có hơn 2.000 hội viên tham gia và đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực công tác như: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Bảo vệ môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và phổ biến kiến thức; Phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo; Động viên phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ; Tôn vinh trí thức…
Với nghiên cứu khoa học, ngọn lửa nhiệt tình trong ông vẫn chưa hề lụi tàn. Năm ông 73 tuổi vẫncùng tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh 83 tuổi lặn lội trong những cánh rừng sâu Phja Oắc, Phja Đén khảo sát, ghi chép để hoàn thành công trình nghiên cứu: “Phia Oắc - Phja Đén -Báu vật thiên nhiên quốc gia”làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ ra quyết định Thành lập Vườn quốc gia Phja Oắc - Phia Đén Nguyên Bình - Cao Bằng.
Giờ ông - Tiến sĩ Nông Hồng Thái đã về với đất mẹ, nhưng những cống hiến của ông cho quê hương Cao Bằng vẫn còn mãi. Trân trọng và sáng trong hình ảnh, đạo đức của một trí thứccách mạng, một lãnh đạo của Đảng, một cuộc đời làm giàu, làm đẹp cho quê hương.