Hệ miễn dịch rất quan trọng với cơ thể vì có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập gây hại của tác nhân gây bệnh đặc trưng. Khi suy yếu, sức đề kháng giảm, cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh từ môi trường hơn, biến chứng bệnh cũng sẽ nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân gây giảm sức đề kháng rất đa dạng, ví dụ như: ăn uống kém, uống ít nước, hay thức khuya, căng thẳng kéo dài, phơi nhiễm môi trường độc hại, mắc bệnh và lạm dụng thuốc kháng sinh, ăn uống vô độ, lạm dụng chất kích thích, rượu bia, ít vận động… Nếu bị suy giảm sức đề kháng do những nguyên nhân trên thì cần được cải thiện bằng cách áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
Chăm chỉ tập thể dục, tham gia các hoạt động thể thao như chạy bộ, đi bộ, đá bóng, tập yoga, tập gym, bơi lội, cầu lông… sẽ rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt giúp ích cho việc tăng sức đề kháng, bởi luyện tập giúp quá trình chuyển hóa, trao đổi chất trong cơ thể diễn ra thuận lợi, giải phóng năng lượng xấu và hấp thu năng lượng mới. Nhờ vậy hệ miễn dịch cũng trở nên khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài.
Việc giữ cân bằng, giảm thiểu căng thẳng, lo âu là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng cho sức khỏe. Bởi căng thẳng kéo dài sẽ khiến hệ thống thần kinh trung ương giải phóng các hormone gây căng thẳng, làm xáo trộn và mất cân bằng chức năng miễn dịch, đồng thời thúc đẩy quá trình viêm khiến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm là rất cao.
Để giảm căng thẳng có thể gặp gỡ bạn bè, tham quan, tập thể dục, viết nhật ký, ngồi thiền, tập yoga… đây là những hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra, cũng có thể nhờ đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ và đưa ra phương hướng thay đổi hiệu quả.
Các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích sẽ gây hệ lụy đến sức khỏe. Vì vậy, để tăng cường sức đề kháng cần bỏ các thói quen xấu này.
Nghiên cứu cho thấy trong thành phần của thuốc lá chứa hơn 4000 loại hóa chất khác nhau, trong đó hóa chất độc hại, có tính gây nghiện cho cơ thể chiếm hơn 200 loại. Chính vì vậy, khi bỏ thuốc lá thì hệ thống miễn dịch sẽ không còn tiếp xúc với hóa chất độc hại là hắc ín và nicotin, từ đó hệ miễn dịch sẽ khỏe mạnh hơn, tăng cường sức đề kháng và ít có nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Tương tự thuốc lá, rượu bia và các đồ uống có cồn cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc tăng sức đề kháng, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, sức khỏe đường ruột kém có thể khiến con người dễ nhiễm bệnh.
Để tăng sức đề kháng, việc bổ sung một lượng vitamin cần thiết cho cơ thể là rất quan trọng.
Vitamin có thể được cung cấp qua thức ăn mỗi ngày, trong đó có thể kể đến các thực phẩm sau:
- Tỏi: Hợp chất allicin, vitamin A, C, E, khoáng chất selen, lưu huỳnh và kẽm là những chất quan trọng với chức năng miễn dịch trong cơ thể. Các chất này cũng giúp cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng, cảm lạnh, cúm, cũng như chứa các đặc tính chống vi khuẩn, chống virus.
- Rong biển: Rong biển không chỉ vô cùng bổ dưỡng, mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và nhiễm trùng. Ngoài ra, rong biển còn là nguồn thực phẩm cung cấp kẽm và chất chống oxy hóa quan trọng với sức khỏe miễn dịch.
- Rau xanh, quả chín chứa nhiều vitamin C: Vitamin C là một trong những dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa các bệnh. Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các tế bào từ các gốc tự do và có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn và chống dị ứng. Hãy ăn nhiều cam quýt, rau mùi tây, dâu, ớt đỏ và kiwi, chanh, bưởi, ổi, đu đủ... vì đây là những thứ chứa nhiều vitamin C, giúp nâng cao miễn dịch cho cơ thể. Mỗi người nên ăn 300 - 400g quả chín mỗi ngày. Vitamin C được đào thải hàng ngày nên cần cung cấp cho cơ thể thường xuyên, đều đặn.
Một số loại rau xanh được khuyến cáo sử dụng trong bữa ăn như: Súp lơ, cải bắp, ớ chuông, bông cải xanh, cải bó xôi cũng chứa nhiều vitamin C, A, E. Đây là loại rau tốt nhất cho sức khỏe, nên bổ sung vào thực đơn các món ăn của cả gia đình.
- Sử dụng các thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc từ động vật và thực vật: Đạm có giá trị sinh học cao như thịt bò, trứng, thịt gà, cá, cua, trai, hến… Các loại hạt giàu đạm như đậu cô ve, đậu hà lan, đậu tương, lạc… Hạn chế sử dụng chất béo no từ động vật như mỡ động vật, mỡ từ nội tạng động vật…
Tác giả bài viết: Theo: suckhoedoisong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn