Phát triển các cây trồng, vật nuôi đặc hữu và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại Cao Bằng

Chủ nhật - 06/10/2024 21:38
Cao Bằng là tỉnh miền núi, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; đất nông, lâm nghiệp còn tiềm năng chưa được khai thác... là tiền đề để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh đa dạng, phong phú với nhiều loại cây, con sinh trưởng và phát triển tốt cho sản phẩm có giá trị hàng hóa cao.
 
Cây thạch đen Thạch An và sản phẩm Thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Vùng mía nguyên liệu huyện Phục Hòa.


Tập trung phát triển nông, lâm, nghiệp
Những năm qua, tỉnh đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, hàng hóa, như: thuốc lá, mía, trúc sào, thạch đen... và giảm dần diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển các loại cây ăn quả đặc sản, như: cây dẻ Trùng Khánh, quýt Trà Lĩnh, lê vàng Thạch An, mận máu Bảo Lạc... Đặc biệt, trong sản xuất trồng trọt sẽ thực hiện cấp mã số vùng đối với một số cây trồng chủ lực, đặc sản của địa phương nhằm hướng tới xuất khẩu theo đường chính ngạch như cây Thạch đen.

Để cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 09-KH/BCĐ ngày 24/3/2022 thực hiện nội dung đột phá và phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch đột phá xác định mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo bước đột phá trong tăng trưởng ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Về trồng trọt, toàn tỉnh tiếp tục ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp hằng năm, duy trì và sử dụng hiệu quả 30.000 ha đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, quy hoạch các vùng trọng điểm trồng lúa chất lượng cao (Japonica), lúa đặc sản (Pì Pất, nếp Hương, nếp Ong). Các địa phương tiếp tục phát triển các loại cây công nghiệp như thuốc lá, sắn, lạc, mía... trên cơ sở sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Khuyến khích nhân dân cải tạo vườn tạp hình thành các mô hình chuyên canh và thu hút đầu tư liên kết chặt chẽ sản xuất với công nghệ bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, từng bước ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quy trình sản xuất một số cây ăn quả đặc hữu, có giá trị kinh tế cao. Mở rộng, trồng mới thêm 700 ha cây hạt dẻ, 320 ha cây lê; khuyến khích phát triển các loại cây trồng công nghiệp ngắn ngày đặc hữu có giá trị kinh tế cao: mở rộng và trồng mới thêm 1.000 ha cây thuốc lá, 600 ha cây thạch đen. Triển khai các cây trồng ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao với diện tích trên 1.990 ha, với những loại cây chủ lực như gừng, nghệ, lê, cam, quýt, dẻ... Chú trọng vào khâu chọn giống, kỹ thuật sản xuất, công nghệ bảo quản, chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap, hữu cơ...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm đa dạng hóa vật nuôi, triển khai các giải pháp chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại. Hình thành các khu, dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như dự án chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng. Xúc tiến đầu tư trực tiếp đối với một số doanh nghiệp mở rộng đầu tư các dự án chăn nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và thu hút một số doanh nghiệp đầu tư các dự án mới để phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, xây dựng một số vườn ươm sản xuất giống cây nông lâm nghiệp chất lượng cao, hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho các hộ trồng mới: Mở rộng, trồng mới trên 1.200 ha cây trúc sào; 500 ha cây hồi; 1.800 ha cây quế; 600 ha cây mắc ca...

Hỗ trợ kết nối cung cầu, đẩy mạnh sản xuất chuyên canh đối với một số loại cây  trồng
Cao Bằng có nhiều huyện trồng cây thuốc lá nhưng lớn nhất vẫn là hai vùng trồng cây thuốc lá trọng tâm của tỉnh nằm ở phía bắc huyện Hòa An và phía nam huyện Hà Quảng. Những năm qua, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá (thuộc Bộ Công thương) và nhiều doanh nghiệp khác đã tham gia tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề trồng thuốc lá và thu mua nguyên liệu cho nông dân. Với nguồn thu mua ổn định, việc trồng cây thuốc lá đã tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho bà con nông dân nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, diện tích thuốc lá toàn tỉnh đạt 5.174,4 ha, tăng cao so với những năm trước.

Để duy trì, hỗ trợ người dân trồng mía nguyên liệu, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng tích cực hỗ trợ người dân, đầu tư ứng trước mía giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Công ty TNHH Thương mại Vũ Thành tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Hạ Lang xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cây trúc sào là cây gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi của tỉnh từ bao đời nay. Trúc sào không chỉ cho bà con giá trị kinh tế, trúc sào còn bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước, du lịch, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen cây trồng bản địa. Sản phẩm trúc sào được Công ty TNHH một thành viên 688; Công ty TNHH chế biến lâm sản trúc Tây Bắc và Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng thu mua toàn bộ cho nhân dân.

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp &PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (GACC) đã thảo luận và thống nhất các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc (ký Nghị định thư). Qua đó, giúp thạch đen của Việt Nam nói chung và của tỉnh Cao Bằng nói riêng có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cũng năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Thạch đen - Thạch An cho các sản phẩm liên quan đến cây thạch đen. Qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến cây thạch đen trên địa bàn có thể dán tem, nhãn hiệu lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng sản phẩm truy xuất nguồn gốc, tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm từ cây thạch đen. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ 7 doanh nghiệp, công ty, HTX liên kết với nông dân sản xuất cây thạch đen; thiết lập công nhận 189 mã số vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói xuất khẩu cây thạch đen. Ngoài ra sản phẩm thạch đen huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Thạch đen - Thạch An”.

Hình thành dần các điểm sản xuất công nghệ cao
Trong lĩnh vực trồng trọt đã có một số dự án như sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ tại thành phố Cao Bằng, các huyện: Thạch An, Hòa An; trồng hoa hồng, dâu tây và luân canh với các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, dưa lê Nhật, dưa chuột Nhật, cà chua Nova, ớt Palemo... trong hệ thống nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới dinh dưỡng nhỏ giọt theo công nghệ Isaren của Hợp tác xã nông nghiệp Trường Anh, Hợp tác xã Nam Phong, thành phố Cao Bằng; Pác Bó Farm (huyện Hà Quảng); nuôi cấy mô trồng thạch hộc của Công ty TNHH công nghệ sinh học Ngân Hà...

Trong lĩnh vực chăn nuôi đã có một số dự án chăn nuôi tập trung được triển khai như Trang trại chăn nuôi Thông Huề, Trùng Khánh của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Cao Bằng; Trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt tiêu chuẩn công nghiệp và hữu cơ tại xã Ngũ Lão, huyện Hòa An của Công ty Cổ phần chăn nuôi Ánh Dương. Các dự án đều đầu tư hệ thống chuồng kín, chủ động kiểm soát nhiệt độ, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo thích hợp với đặc tính sinh lý của vật nuôi, giúp vật nuôi được khỏe mạnh, đạt năng suất cao nhất, đảm bảo tiện lợi cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, tiết kiệm được sức lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng, số liệu đã được đồng bộ hóa trên cả nước. Giống cây lâm nghiệp được thực hiện theo phương pháp chọn cây trội (cây Hồi); trồng rừng sử dụng giống keo nuôi cấy mô.

Cùng với đó, Cao Bằng cũng đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu vận chuyển, truy suất nguồn gốc nông sản, quảng bá thông tin sản phẩm, đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các thông tin về nông sản được đăng tải tại các trang chợ điện tử, thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của người tiêu dùng...

Định hướng năm 2024 và các năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; thực hiện liên kết từ đầu tư sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm. Tăng diện tích trồng mới các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao Tiếp tục phát triển chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, trang trại thông qua việc hỗ trợ làm chuồng trại cho trâu, bò sinh sản, vỗ béo trâu bò, cấp lợn nái; hỗ trợ mua con giống; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi. Tiếp tục rà soát diện tích đất có thể phát triển lâm nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh; chú trọng các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông minh, công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn.

Tác giả bài viết: Đàm Thị Thiều

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay326
  • Tháng hiện tại9,396
  • Tổng lượt truy cập295,317
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây