Chủ động phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp

Thứ ba - 12/07/2022 02:17
Cao Bằng là một tỉnh miền núi với địa hình núi non trùng điệp, người dân sản xuất nông nghiệp là chính. Do phải canh tác trên đất có độ dốc cao, xói mòn, rửa trôi rất mạnh dẫn đến đất bị thoái hoá, năng suất cây trồng thấp nên cuộc sống của nông dân còn nhiều khó khăn
 
Phân hữu cơ là một yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất cây trồng. Một trong những loại phân hữu cơ được người nông dân sử dụng phổ biến là phân chuồng, nhưng cùng với sự phát triển của nền công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn việc sử dụng các loại máy cày, máy bừa hiện đại dần thay thế sức kéo của trâu, bò… nên lượng phân chuồng ngày càng giảm. Ngược lại sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đòi hỏi cần phải có nguồn phân hữu cơ lớn để đáp ứng.

Xuất phát từ thực tế trên cần phải “Chế biến phân hữu cơ từ rác thải có nguồn gốc thực vật” và bón phân hữu cơ cho đất dốc để cải tạo tính chất lý hóa của đất qua đó làm tăng năng suất cây trồng. Cách tiến hành gồm 06 bước như sau:

Bước 1: Sơ thám khu vực cần đào hố để ủ phân
Hố ủ phân nên bố trí ở nơi cao ráo, thoát nước, thuận tiện cho việc ủ phân hoặc lấy phân sau này. Đối với vườn nhà nên bố trí ở góc vườn; đối với ruộng nên bố trí ở mô đất cao ráo, thoát nước tốt; đối với nương rẫy có độ dốc cao nên bố trí ở chân đám rẫy để thuận tiện cho quá trình thu gom rác thải sau thu hoạch.

Bước 2: Đào hố để ủ với kích thước: Chiều dài 2m, chiều rộng từ 1m - 1,5m, chiều sâu từ 0,8cm - 1m.

Bước 3: Thu gom, chất đống rác thải và phân chia vật liệu
Rác thải có nguồn gốc thực vật: Thân cây ngô, rơm rạ, cành rơi, lá rụng, các loại cỏ, vỏ đậu (đỗ), rác thải thực phẩm, bã mía… có thể băm nhỏ thành đoạn từ 20cm - 30cm rồi chất đống thành hai phần bằng nhau. (Hình 01)
Hình 01: Thu gom chất thải thực vật chuẩn bị ủ phân hữu cơ

Phân men gồm: Phân chuồng hoai từ 10 - 15%; Supelân từ 1 - 3%;  vôi bột từ 3 - 5%. Lượng phân chuồng hoai, vôi bột và Supelân cũng chia thành 2 phần bằng nhau.

Bước 4: Cho phân vào hố
Đầu tiên cho 1/2 khối lượng vật liệu xuống hố theo thứ tự như sau: Phân xanh xuống trước sau đó rải qua một lớp vôi bột và cho lượng phân chuồng xuống san phẳng rồi rải qua một lớp supelân. Cứ tiếp tục theo thứ tự như vậy tiến hành thực hiện lớp còn lại.

Bước 5: Tưới nước
Tưới nước lên lớp phân mà ta đã rải (số lượng nước phụ thuộc vào lượng phân mà tưới sao cho lớp phân cuối ướt hết là được). Tưới nước tạo độ ẩm sẽ là môi trường cho vi sinh vật phân giải vừa là chất xúc tác cho các phản ứng hóa học xảy ra trong hố phân làm cho vật liệu chóng hoai.

Bước 6: Lấp hố
Rải các bao tải đựng phân lên phía trên và dùng xẻng xúc đất ở xung quanh hố xuống lấp lên bao tải. Chừa lại 1 lỗ ở giữa hố rộng khoảng 20 - 30cm để thoát khí CO2 vì trong quá trình phân hủy của hố phân thải ra một lượng CO2 rất lớn có hại cho cây trồng. Mặt khác lỗ hở còn là nơi hứng nước mưa bổ sung cho độ ẩm.
Thời gian ủ phân khoảng từ 2,5 - 3 tháng. Thể tích hố phân giảm khoảng từ 30 - 35 %, còn lại khoảng 2 - 3% chất xơ chưa phân hủy hết, phân hữu cơ thu được có màu đen, tơi xốp, khô, mịn, không mùi hôi thối. (Hình 02).
 
Hình 02: Phân hữu cơ đã hoai sau 03 tháng ủ

Cách chế biến phân hữu cơ từ rác thải có nguồn gốc thực vật vô cùng đơn giản, dễ áp dụng, đem lại hiệu quả cao về cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Hiệu quả về mặt kinh tế: Tận dụng được những sản phẩm dư thừa, sẵn có trong tự nhiên; tạo được nguồn phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, giá thành rẻ; có thể ủ phân tại chỗ nên giảm chi phí vận chuyển vật liệu xanh ban đầu cũng như vận chuyển phân hữu cơ đem bón cho cây trồng trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả về mặt xã hội: Góp phần tạo công ăn việc làm cho xã hội như tận dụng được nguồn lao động  nông nhàn sau thu hoạch; tạo việc làm cho người lao động bởi vì cả người già và trẻ em đều có thể tham gia quá trình.

Hiệu quả về mặt môi trường: Cải tạo được tính chất lý hóa của đất vì trong phân chứa hàm lượng vôi và chất xơ khá cao nên cải tạo được độ chua của đất và làm cho đất tơi xốp hơn. Việc chế biến phân hữu cơ từ rác thải thực vật không những tạo ra được một loại phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng mà còn góp phần làm sạch môi trường sống của con người, giảm khối lượng rác hữu cơ chôn lấp, tiết kiệm chi phí xử lý rác thải và góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng.

Dùng nguồn phân hữu cơ dồi dào, sẵn có trong tự nhiên để bón cho cây trồng thay thế lượng phân chuồng có hạn để đáp ứng sản xuất NNHC tạo ra các sản phẩm nông nghiệp ngày càng đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng cao, giá thành giảm. Tận dụng được rác thải trong quá trình canh tác trên đất dốc để ủ phân tại chỗ bón cho cây trồng thông qua đó nâng cao hệ số sử dụng đất. Mặt khác phân hữu cơ được làm từ rác thải có nguồn gốc thực vật nên có thể tận dụng được những loại rác thải trong sinh hoạt, trong sản xuất, làm sạch môi trường xung quanh từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay345
  • Tháng hiện tại4,889
  • Tổng lượt truy cập318,877
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây