Để đưa cây mận máu là cây ăn quả đặc sản và chủ đạo của vùng cũng như sản xuất mận máu mang tính chất quy mô hàng hóa, không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh mà còn hướng tới xuất khẩu, dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống mận máu đặc sản cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” đã được triển khai thực hiện nhằm phát triển và mở rộng diện tích trồng cây mận máu đặc sản trên đất dốc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tự nhiên, tăng thu nhập và góp phần nâng cao thu nhập ổn định đời sống cho người dân.
Từ kết quả dự án đã xác định được vùng trồng mận máu thích hợp tại các xã Phan Thanh, Khánh Xuân, Hồng An, Huy Giáp, Xuân Trường huyện Bảo Lạc. Xây dựng được 01 vườn nhân giống, diện tích 1000m2, tiến hành nhân giống 10.000 cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn, mắt ghép phục vụ nhân giống được khai thác từ những cây mận ưu tú đã được lựa chọn.
Cây mận máu trong mô hình thâm canh.
Qua kết quả điều tra cho thấy thực trạng diện tích trồng mận của các hộ dân đang bị thoái hóa, năng suất chất lượng kém, dự án đã tiến hành nghiên cứu cải tạo diện tích mận bị thoái hóa bằng cách sử dụng vật liệu Polyme siêu thấm AMS-1 góp phần làm tăng độ mùn của đất, cải thiện lý tính đất, làm đất tơi xốp, thoáng khí hơn, tăng khả năng giữ ẩm và giữ các chất dinh dưỡng (đa lượng, vi lượng) của keo đất, tăng cường mật độ và hoạt động của các vi sinh vật có ích trong đất; sử dụng phân bón siêu kali đến các chỉ tiêu sinh hóa của quả mận máu, phân bón NPK đến năng suất và phân vi lượng đến khả năng ra hoa, đậu quả… Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã tác động rất lớn đến sản lượng và giá trị của các vườn mận máu, các yếu tố cấu thành năng suất như kích thước quả to, vỏ quả đỏ thẫm sáng bóng đẹp, không bị sâu bệnh đặc biệt là các bệnh thối quả, dòi đục quả, bệnh phấn trắng làm ảnh hưởng đến mẫu mã quả.
Tiến hành trồng mới 15 ha mận máu tại các xã Phan Thanh, Khánh Xuân, Hồng An của huyện Bảo Lạc, ứng dụng kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, vin cành, vật liệu giữ ẩm AMS-1 trên vườn mận, phòng trừ sâu bệnh hại... nhờ tuân thủ theo quy trình kỹ thuật Sử dụng chất giữ ẩm AMS-1 đã góp phần cải thiện độ ẩm của đất quanh gốc cây mận, ẩm độ đất thường xuyên đạt trong khoảng 40-50%, cây trồng có đủ ẩm nên hấp thụ phân bón tốt, sinh trưởng khỏe, theo dõi và phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh hại trên vườn đã góp phần hạn chế tối đa tác hại của sâu bệnh trên vườn mận. Sau hơn 2 năm trồng hiện nay một số vườn mận đã cho thu hoạch.
Việc phát triển hiệu quả nguồn gen cây trồng, đặc biệt là những cây trồng bản địa có giá trị đặc sản, không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mà những cây trồng đặc sản còn mang lại một giá trị cạnh tranh rất lớn. Cũng chính vì thế, ngoài giá trị khoa học đóng góp vào lĩnh vực khai thác và phát triển nguồn gen, thì những kết quả nghiên cứu khi được ứng dụng vào sản xuất cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc bảo tồn và phát triển có hiệu quả nguồn gen cây mận máu Bảo Lạc đã mở ra một hướng mới trong việc phát triển sản xuất các cây trồng đặc sản thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương. Người dân tham gia thực hiện mô hình đã được tiếp cận và làm chủ kỹ thuật qua đó có thể áp dụng vào sản xuất, cải thiện năng suất chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định đời sống.