Thạch đen là cây trồng thế mạnh của huyện Thạch An, được xuất khẩu sang Trung Quốc và là cây xóa đói giảm nghèo tại một số xã có diện tích gieo trồng chủ yếu tại huyện. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cây Thạch đen sang thị trường Trung Quốc chưa được ổn định do các quy định khắt khe về nhập khẩu cây trồng của Trung Quốc cụ thể là quy định nêu tại Nghị định thư được ký kết ngày 8/12/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (GACC). Các sản phẩm từ cây Thạch đen xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phải đảm bảo tuân thủ luật pháp về kiểm dịch động thực vật, các quy định về nhập khẩu, các tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật do GACC quy định, không có côn trùng sống, đất, hạt lẫn, tàn dư thực vật. Để đáp ứng các quy định này việc sản xuất cây Thạch đen bắt buộc phải có mã số vùng trồng đối với cây trồng xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT giao đơn vị Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi là cơ quan đầu mối hỗ trợ tổ chức, cá nhân, nông dân xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho cây Thạch đen. Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất được nguồn gốc nông sản được xem là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng.
Cây thạch đen (Ảnh: Lục Niên)
Quá trình triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng cây Thạch đen tại huyện Thạch An được sự quan tâm của Cục Bảo vệ Thực vật và sự vào cuộc của các cấp chính quyền nhất là sự tham gia nhiệt tình của các hộ dân; Đến tháng 7/2021 tỉnh Cao Bằng đã được cấp 189 mã số vùng trồng Thạch đen với tổng diện tích trên 600 ha tại các xã thuộc huyện Thạch An do 3 Hợp tác xã (Xếp Hồng, Thu Hương và Nà Pò) đề nghị.
Sau khi được cấp mã số vùng trồng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi phối hợp với UBND huyện, UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Thạch An cùng sự đồng hành của 3 hợp tác xã tổ chức lớp tập huấn quản lý và duy trì mã số vùng trồng thạch đen sau khi được cấp.
Tại lớp tập huấn, các hộ nông dân được chia sẻ về quy trình kỹ thuật sản xuất cây thạch đen theo hướng an toàn; nội dung Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; những yêu cầu Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV của Cục Bảo vệ thực vật về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng. Qua tập huấn, người dân đã nâng cao nhận thức trong việc quản lý, duy trì mã số vùng trồng đã được cấp, áp dụng quy trình kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo theo yêu cầu.
Tuy nhiên, để duy trì có hiệu quả mã số vùng trồng Hợp tác xã cần phối hợp với nông dân sản xuất tuân thủ một số quy định như sau:
1. Vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc bốn (04) đúng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất và thời gian cách ly để đảm bảo dư lượng không vượt ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu; Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật phải có biện pháp quản lý để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu; Cần sử dụng thống nhất một quy trình quản lý sinh vật gây hại, đảm bảo kiểm soát sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp.
2. Mỗi hộ nông dân sản xuất phải có ghi chép nhật ký canh tác trong 01 vụ sản xuất theo mẫu quy định, trường hợp vùng trồng áp dụng cùng một quy trình sản xuất thì có thể sử dụng chung một nhật ký.
3. Về điều kiện canh tác cần áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt đặc biệt chú ý vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại; đảm bảo việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và phân bón theo quy định.
4. Thường xuyên tự cập nhật các thông tin quy định mới về cấp và duy trì mã số vùng trồng, theo dõi, ghi chép đầy đủ các tác động lên cây trồng; Khuyến khích lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu theo quy định của các nước nhập khẩu. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về mọi sự thay đổi của mã số (diện tích, người đại diện, số hộ nông dân tham gia...)
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với UBND huyện Thạch An và một số huyện lân cận xây dựng kế hoạch, huy động xã hội hóa nhằm mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng thạch đen trên địa bàn; đồng thời rà soát, đánh giá tiềm năng một số cây trồng đặc sản thế mạnh của địa phương có khả năng xuất khẩu để xây dựng cấp mã số vùng trồng; bên cạnh đó tuyên truyền mạnh mẽ đến các địa phương, quy trình, tiêu chuẩn sản xuất để cấp mã số vùng trồng; quy hoạch vùng sản xuất đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng cho một số cây trồng. Tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương về các tiêu chí liên quan đến kiểm tra, giám sát vùng trồng, để phục vụ cấp và quản lý mã số. Vận dụng cơ chế, chính sách liên kết tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong việc cấp mã số vùng trồng với các dự án liên kết phù hợp nhằm động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số vùng trồng.