Cao Bằng có nhiều lễ hội, đa dạng, phong phú, nổi bật nhất là các lễ hội Đền, Chùa; lễ hội Pháo hoa, lễ hội Lồng Tổng, lễ hội Nàng Hai và lễ hội Thanh Minh. Mỗi lễ hội đều hàm chứa nội dung và hình thức đặc trưng của nó. Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An được tổ chức vào đúng tiết thanh minh hàng năm tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Theo bà con địa phương, đây là lễ hội tưởng niệm, ngợi ca lòng thủy chung son sắt của đôi trai gái yêu nhau trong sáng, thủy chung, chống lại cường quyền ác bá và hủ tục lạc hậu phong kiến xưa kia. Lễ hội còn có thêm nội dung cầu mùa, còn được lưu truyền đến ngày nay. Lễ hội Thanh Minh theo tiếng bản địa Nùng, Tày gọi là lễ hội Sinh Mình.
Tục truyền rằng, trong thung lũng bản Phia Chang thuộc xã Phúc Sen có một chàng thanh niên tên là Sinh (Thanh) khỏe mạnh, đẹp trai tuấn tú, thông minh sáng dạ hơn người. Sinh ra và lớn lên trong bản cùng thời, có người con gái nước da trắng ngần, xinh đẹp, nết na tên là Mình (Minh). Hai người đều sống nhân hậu, siêng năng, chăm chỉ nên được mọi người yêu mến. Họ đã bén duyên và yêu nhau da diết. Chàng Sinh, ngày đêm thương nhớ người yêu, không cầm lòng được nên đã đón nàng Mình về nhà sinh sống với nhau. Điều này trái với tập tục xe duyên thời đó: cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Một số người trong bản đã xì xào bàn tán, chê bai, tỏ ý không tán thành, mặc dù vẫn biết rằng tình yêu của đôi nam thanh, nữ tú kia là trong sáng, tự nguyện đến với nhau. Trong bản, có một vị quan tham giàu có, gian hiểm, háo sắc nhất vùng cũng muốn có được nàng Mình. Hắn tìm cách tán tỉnh, dụ dỗ, đe dọa, hòng chiếm đoạt nàng. Người con gái ấy đã khước từ mọi sự cám dỗ, tiền tài, giàu sang của tên cường hào ác bá; một lòng chung thủy với người yêu. Hủ tục lạc hậu và tên cường hào đó đã ngăn trở tình yêu thuần khiết của họ, làm cho đôi trai gái ấy rất đau buồn, nhưng họ vẫn đến với nhau một lòng son sắt. Thời gian trôi đi, cuộc sống của họ càng nặng nề hơn. Tuyệt vọng quá, đôi trai gái đã tìm đến cái chết đầy thương tâm. Cả hai đã cùng trẫm mình xuống Rằng Nặm (vũng nước sâu), nước xanh ngăn ngắt, gần đấy có cây đa cổ thụ chứng kiến cảnh hai người tuẫn tiết bên nhau. Kỳ lạ thay, Rằng Nặm ấy bỗng dưng tuôn trào thành dòng suối mát trong, nước chảy đến đâu, cây cối, lúa, ngô, hoa màu xanh tốt đến đó. Đời sống của người dân bản, làng no đủ, bình an; bà con cho rằng: do linh hồn của chàng Sinh và nàng Mình phù hộ độ trì, ra đi vẫn quấn quýt, thương nhớ bản quán quê nhà. Vì thế, mọi người đã đặt bát hương bên Rằng Nặm để tỏ lòng thương nhớ, mong cho linh hồn đôi lứa Sinh, Mình đoàn tụ nơi quy tiên. Bà con dân bản chọn ngày Thanh Minh (âm lịch) hàng năm để tổ chức lễ hội và đặt tên là Sinh Mình (Thanh Minh) tại khu bãi cỏ rộng bên cạnh Rằng Nặm để tưởng nhớ đôi nam nữ Sinh Mình (Thanh Minh). Rằng nặm từ xa xưa, do lâu ngày bị bồi tụ, biến đổi, nay đã thành mỏ nước của bản Phia Chang, gần khu trường Mầm Non, Tiểu học xã Phúc Sen hiện tại. Mỗi năm, vào dịp đó, thanh niên nam nữ của Phúc Sen và nhiều địa phương đã về đây trẩy hội, xum vầy giao duyên, thề nguyện yêu nhau, xây dựng hạnh phúc trọn đời.
Đến với lễ hội, ta còn được thấy miếu thờ Thổ Công đã có từ rất lâu, hiện hữu ngay cạnh Ủy ban nhân dân xã Phúc Sen, chưa rõ được lập từ bao giờ. Thời gian trôi qua với bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, miếu bị xuống cấp thành phế tích. Sau năm 1979, nhân dân trong vùng đã dựng lại miếu, mái lợp ngói âm dương, trong đó lập bệ thờ chính gian giữa, có trình bày bài vị và hai đối liên tự Hán. Nơi đây chính là địa điểm để tổ chức phần lễ tưởng niệm, ôn lại câu chuyện tình bi thương, khát vọng chính đáng của tình yêu đôi lứa. Đồng thời, tiến hành các nghi thức lễ tạ ơn Thổ Công, Thần Nông; cầu phúc, cầu mùa, xin trời đất cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Các gia đình người Nùng An khi đến dự đều mang theo mâm lễ đến thắp hương tại miếu để tỏ lòng tôn kính đôi trai gái. Sau đó, thắp hương cầu khấn bên mỏ nước, nơi chàng Sinh và nàng Mình tuẫn tiết, thủy chung. Như vậy, bên cạnh việc tưởng niệm đôi bạn tình, phần lễ đã chứa đựng thêm nội dung cầu mùa. Lễ hội hàng năm, đông đảo nhân dân bốn phương, tám hướng tụ về; họ hát giao duyên dân ca Hèo Phưn - dân ca người Nùng An và Hà lều,…, nhiều bạn thành đôi lứa trăm. Phần ẩm thực của lễ hội chủ yếu là thịt lợn quay lá mác mật và sôi ngũ sắc biểu thị càn khôn ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đó cũng là dịp bà con, cô, bác lại được hân hoan gặp mặt nhau và trao đổi kinh nghiệm lao động, sản xuất. Thanh Minh đã lan tỏa tới các địa bàn trong tỉnh và trong nước, đến nay lượng du khách đến lễ hội ngày càng đông, có cả người nước ngoài cũng về tham dự.
Xung quanh tục truyền về lễ hội Thanh Minh, trong dân gian còn có những vấn đề đàm đạo về câu chuyện đôi trai gái. Có ý kiến cho rằng, chàng Sinh còn đi học nghề rèn dao kiếm và nông cụ và về truyền dạy cho dân bản. Phải chăng, tổ nghề rèn Phúc Sen là chàng Sinh. Một loại ý kiến nữa cho là, chàng Sinh không phải người bản Phia Chang mà chính quê ở Háng Thoong, xã Ngọc Động, huyện Quảng Uyên. Nàng Mình là con gái bản Phia Chang, trong gia đình chỉ sinh hạ được duy nhất nàng, con một là nữ. Chàng Sinh tự nguyện về chung sống tại nhà nàng Mình. Do đó, hàng năm tổ chức lễ hội Thanh Minh, các bậc trưởng bản, các vị cao niên hai bên “nội”, “ngoại” gặp mặt nhau bàn bạc thống nhất đồng tổ chức, mặc dù lễ hội diễn ra ở Phúc Sen.
Những năm gần đây, các nhà quản lý văn hóa của tỉnh đã rất quan tâm tới phần lễ và phần hội, bổ sung thêm các trò chơi dân gian: tung còn, đánh yến, đi cà kheo, lày cỏ và phát triển thêm bóng đá, bóng chuyền; quan tâm tới nghề rèn, dệt vải nhuộm chàm, nghề thêu truyền thống của dân tộc Nùng An xã Phúc Sen.
Trong dịp Thanh minh, thông thường vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, người Tày, Nùng còn có phong tục tảo mộ trong dòng tộc và từng gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống; con cháu bốn phương đi làm ăn, công tác xa nhà đều có ý thức trở về đông đủ. Tảo mộ là hình thức làm sạch cây cỏ dại, sửa sang, tu bổ phần mộ của các bậc tổ tiên, người đã “khuất núi”, với tấm lòng thành kính biết ơn. Từ ngày mồng 1, mồng 2 tháng 3 âm lịch con cái gia đình, dòng họ đã về hội ngộ để chuẩn bị cho lễ tảo mộ để đúng mồng 3 khởi hành; thực tế mỗi năm trở lại đây, xu thế con cháu về tảo mộ ngày càng đông không kém gì tết Nguyên đán hàng năm. Nhà nhà bận rộn làm xôi ngũ sắc bằng gạo nếp ngon nhuộm với nước phẩm của các loại hoa, lá của rừng. Nổi bật như xôi màu đen nhánh từ lá cây sau sau, xôi vàng ruộm từ hoa bioóc phón, xôi màu cẩm từ lá cây lá cẩm….cùng với các loại ẩm thực như: dồi măng vầu ngọt, thịt lợn, cá, đậu nhồi, thịt gà, rượu ngon dâng lên tổ tiên và đến từng ngôi mộ tri ân lòng thành với người đã khuất. Mọi người bày tỏ sự biết ơn tiên tổ, trải lòng về những khó khăn trong cuộc sống và mong các bậc tiên liệt phù hộ độ trì cho con cháu có sức khỏe, bình an, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, hanh thông mọi bề. Công việc tảo mộ xong, có dòng họ, gia đình còn bày mâm lễ và ẩm thực tại chỗ nơi không gian mộ chí như thể hòa hợp với “người âm”, tạo nên sự đoàn kết gắn bó trong anh em. Kết thúc tảo mộ, từng gia đình còn làm mâm cỗ đến dâng cúng Thổ công, báo cáo kết quả sự việc hôm nay cho các vị thần, mong được sự quan tâm, giúp đỡ. Sau đó, mọi người xum họp ăn cơm đầm ấm trước bàn thờ tổ tiên, hứa hẹn thời gian tới, mọi sự tốt lành, bình yên, may mắn.
Mâm lễ bày tại mộ tổ tiên trong dịp tảo mộ của người Tày, Nung ở Cao Bằng (Ảnh: Kim Khánh)
Lễ hội Thanh Minh và phong tục tảo mộ là hoạt động dân gian mạng đậm nét tâm linh, tín ngưỡng hướng thiện, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các dân tộc anh em, nên được mọi người hưởng ứng tham dự bằng cả tấm lòng thành. Rất mong các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, các nhà quản lý văn hóa tiếp tục quan tâm đầu tư nghiên cứu nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao các giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội Thanh Minh xã Phúc Sen và phong tục tảo mộ người Tày, Nùng đáp ứng nguyện vọng hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân./.