Để làm được món bánh Coóng phù, khâu lựa chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Trước tiên phải chọn loại nếp thơm ngon như: nếp Hương Bảo Lạc hay nếp Pì Pất ở vùng: Hòa An, Hà Quảng hoặc là nếp Ong Trùng Khánh. Sau đó, mang gạo ngâm khoảng 2 - 3 tiếng rồi mang sát thành bột nước (có thể thêm một chút gạo tẻ ngâm và sát cùng), rồi cho vào túi vải treo lên để ráo nước. Ngày nay, bà con vô cùng sáng tạo khi làm món bánh này bằng cách ngâm gạo nếp với lá cây cẩm hoặc một số loài hoa đủ sắc màu như: màu tím, màu xanh, màu gấc, màu đỏ... để tạo ra những viên bánh trôi nhiều màu vô cùng đẹp mắt.
Nhân bánh cũng khá kỳ công. Nguyên liệu thường là Lạc đỏ, Vừng trắng, rửa sạch rồi rang đến khi thơm vàng mới đem giã trong cối đá, sau cùng bỏ thêm một chút đường để nhân bánh có vị ngọt đậm đà hơn.
Nước đường ăn cùng bánh cũng phải là loại đường ngon, thường bà con hay lựa chọn đường phên Phục Hòa. Đường được bào mỏng sau đó cho vào nước để đun sôi, và thả những lát gừng vàng tươi xuống và để nhỏ lửa liu riu, đến khi nước gừng phải thơm ngon đạt đến độ vị ngọt của đường hòa trong vị gừng cay và bánh quyện vào nhau sóng sánh.
Mon bánh Coóng phù Cao Bằng . Ảnh: Lục Niên.
Khi chuẩn bị mọi công đoạn chuẩn bị xong xuôi, bắt đầu đến khâu nhào bột, nặn bánh. Thật là thú vị, khi được chứng kiến đôi bàn tay tài hoa của những người nặn bánh. Những viên bột cho vào giữa hai lòng bàn tay, xoay đều, xoay đều cho viên bánh hình tròn và khéo léo vuốt vuốt, nặn nặn thành viên bánh hình bầu dục. Người làm thông thạo có thể làm được hai đến ba viên bánh hình tròn cùng một lúc. Thường thì những viên bánh dài sẽ bỏ nhân bên trong, còn những viên bánh tròn để chay. Vào mùa đông, đi dạo trên các tuyến phố, ta bắt gặp chiếc bàn nhỏ với một chiếc mâm xếp đầy các viên bánh tròn và dài đã nặn đủ các màu sắc đẹp mắt. Bên cạnh đó mùi nước đường gừng tỏa ra thơm lừng cả góc phố. Khi có khách đến, người bán thả các viên bánh xinh xinh vào nồi nước sôi, bánh chín sẽ nổi lên, vớt ra chan nước đường gừng vào. Để bánh ngậy hơn còn có thể thêm một chút nước cốt dừa trắng ngần đã được chuẩn bị sẵn và ít lạc rang giã nhỏ.
Cầm bát bánh Coóng phù trên tay, du khách thi nhau hít hà, xoa xoa tay áp vào má xua tan cái lạnh, múc một thìa nước đường gừng thưởng thức đầu tiên để vị ngọt vị cay lan tỏa ra đầu lưỡi, rồi tiếp tục thưởng thức từng viên bánh thơm ngon, ăn đến đâu người nóng râm ran đến đó , hương vị thơm ngọt sắc ngậy còn đọng mãi trong tâm trí những ai đã từng được thưởng thức món bánh đậm đà hương quê này.
Chẳng biết từ bao giờ, cứ đến ngày Đông chí nhiều gia đình người Tày Cao Bằng lục tục rủ nhau làm món bánh Coóng phù. Cả nhà quây quần bên bếp lửa bập bùng nặn thả bánh, rồi cùng nhau rôm rả kể những câu chuyện xa xưa./.