Trí thức Khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thứ ba - 15/03/2022 21:56
Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế tỉnh Cao Bằng đã có bước tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 11%/năm; 17/17 chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đạt và vượt kế hoạch. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch covid, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 3,3% (cao hơn so với bình quân cả nước); Nhiều công trình dự án với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng chuẩn bị được triển khai thi công; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện và nâng lên rõ rệt, quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng. Những thành tựu và kết quả nêu trên, phải kể đến sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (ĐNTTKH&CN) của tỉnh nói riêng.
Hiện nay, ĐNTT tỉnh có trên 2 vạn người (trong đó có khoảng 20 tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa II, và 1.000 thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I) đang công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đơn vị sự nghiệp các trường cao đẳng, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp. Trí thức Cao Bằng đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương. Đóng góp công sức, trí tuệ khi tham mưu, đề xuất hoạch định các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ĐNTT của tỉnh tích cực, chủ động tham gia ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội địa phương như: Các chủ trương, cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án dự án trọng tâm của tỉnh, các huyện và thành phố thông qua hoạt động tham mưu, đề xuất, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giáo dục đào tạo; bảo vệ tài nguyên môi trường, đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, báo chí, đối ngoại, quốc phòng an ninh của tỉnh. Hoạt động của ĐNTT trong các lĩnh vực góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên lĩnh vực truyền thông phổ biến kiến thức (PBKT): Đội ngũ trí thức tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và thế giới. Tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN tiên tiến trong sản xuất... Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, góp phần xã hội hóa công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn kỹ thuật, xuất bản ấn phẩm, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin truyền thông. Hoạt động PBKT có tác động mạnh mẽ, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế xã hội địa phương trong tỉnh giai đoạn 2016 - 2021.
Trên lĩnh vực tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB): Từ năm 2016 đến nay, đội ngũ trí thức Cao Bằng đã tích cực tham gia TVPB - Tư vấn hàng trăm dự án quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới, đô thị; Những vấn đề lớn về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc lịch sử; Những vấn đề về công trình hồ đập, thủy lợi, cầu đường .... Thực hiện quyết định số 08/2016/UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (Liên hiệp Hội) chủ trì tập hợp gần 100 chuyên gia trí thức ở các ngành, lĩnh vực khác nhau tham gia thực hiện gần 50 nhiệm vụ TVPB các dự án, đề án, kế hoạch, chương trình... hoạt động TVPB góp phần cho chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh dự án, nâng cao tính khả thi của dự án, là cơ sở khoa học, thực tiễn góp phần cho quyết định của lãnh đạo tỉnh về chủ trương chính sách đúng đắn, phù hợp và công tác triển khai chất lượng tốt hơn.

Lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ và môi trường: Từ năm 2016 đến nay đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với 63 đề tài, dự án cấp tỉnh, 07 dự án nông thôn miền núi và một số dự án cấp quốc gia. Kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN tốt hơn trước đây, đóng góp tích cực vào phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương. Việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất đã đem lại những kết quả thiết thực như: mở rộng diện tích hàng trăm ha và nâng cao năng suất các loại cây ăn quả đặc sản tỉnh Cao Bằng (hạt dẻ, lê vàng, lê xanh, mận máu, cam quýt...) Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng các giống lúa nếp đặc sản của tỉnh, nâng cao năng suất 15%, mở rộng diện tích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học (hiện nay Cao Bằng có gần 500 ha lúa nếp đặc sản gồm: Khẩu phjẩng, nếp ong Trùng Khánh 240 ha, nếp hương Bảo Lạc trên 100 ha, nếp Pì Pất thành phố, Hòa An trên 100 ha); Nghiên cứu chọn lọc được nguồn gen lợn Lang Đông Khê; Điều tra nghiên cứu, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc mở rộng và nâng hạng cấp Quốc gia khu bảo tồn vượn Cao vít Trùng Khánh; Nghiên cứu đánh giá các dạng tài nguyên du lịch và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng... Các kết quả đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN và hàng trăm các giải pháp kỹ thuật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, các mô hình ứng dụng KHCN liên kết trong sản xuất do đội ngũ trí thức tham gia đã thực sự là nòng cốt trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Vai trò của đội ngũ trí thức càng thể hiện rõ trong từng lĩnh vực:

- Đội ngũ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý phát huy tốt tri thức được đào tạo, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, là nòng cốt trong hoạch định, lãnh đạo thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; Đã thể chế hóa nhiều chủ trương Đảng, chủ trương của lãnh đạo địa phương, phối hợp với các bộ ban ngành giải quyết các vấn đề lớn, các nhiệm vụ chiến lược phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh (dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); tổ chức các sự kiện lớn quảng bá thế mạnh du lịch, công viên địa chất non nước Cao Bằng; Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao; Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Đề án nông nghiệp thông minh...)

- Đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh: Đã có nhiều đóng góp phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng trong quản lý sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây đội ngũ trí thức KHCN đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ KH&CN của tỉnh, nhiều đề tài, dự án có giá trị, nhiều mô hình khuyến nông, khuyến công có hiệu quả góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn công nghiệp - xây dựng nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Đội ngũ trí thức trong các doanh nghiệp, hợp tác xã đề xuất nhiều phương án chuyển đổi mô hình quản lý, dự án áp dụng khoa học công nghệ đầu tư phát triển sản xuất trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, góp phần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ... thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Tích cực tham gia và đề xuất các giải pháp kỹ thuật trong các lĩnh vực sản xuất đem lại hiệu quả KT-XH, môi trường.

Những thành tựu đạt được của tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua, nhất là trong 5 năm gần đây là công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp to lớn, quan trọng của đội ngũ trí thức và Liên hiệp các Hội KH&KT là một trong những tổ chức giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong tỉnh tích cực tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh Cao Bằng.
 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay446
  • Tháng hiện tại11,550
  • Tổng lượt truy cập139,009
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây