Kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu, bảo tồn phục tráng và phát triển giống lúa nếp cẩm bản địa

Thứ hai - 16/10/2023 22:06
Để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, gắn với Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, bảo tồn, phục tráng các giống cây trồng vật nuôi đặc sản, đặc hữu của tỉnh đã được quan tâm triển khai.
Bên cạnh các giống lúa nếp nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng được thị trường biết đến như: Nếp Hương Bảo Lạc, Nếp Pì Pất, Nếp Ong Trùng Khánh,... giống lúa Nếp Cẩm tại huyện Bảo Lâm (Giống lúa với tên địa phương Khẩu Xiên Păn hay còn gọi Khảu Tắc Tó) là giống lúa nếp cẩm bản địa, có chất lượng gạo thơm ngon, được người dân trồng để sử dụng trong những dịp lễ, tết. Nếp Cẩm bản địa chủ yếu được trồng tại xã Yên Thổ, phù hợp ở những vùng có độ cao trên 800 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Tuy là giống lúa bản địa nổi tiếng có chất lượng gạo thơm ngon, nhưng qua nhiều năm không được chọn lọc, chủ yếu người dân tự để giống từ năm này sang năm khác nên dần bị thoái hóa, năng suất chất lượng giảm so với giống nguyên bản. Năm 2020, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học, tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa Nếp Cẩm bản địa tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng”.
 
Qua 3 năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu, mẫu giống, tình hình sản xuất, bảo tồn, phát triển  giống lúa Nếp Cẩm bản địa tại huyện Bảo Lâm. Phục tráng và chọn lọc giống siêu nguyên chủng, được nghiên cứu thử nghiệm trong 3 vụ. Kết quả: vụ thứ nhất thử nghiệm trên diện tích 500 m2, chọn lọc được 40 dòng đạt tiêu chuẩn G0; vụ thứ 2 thử nghiệm trên diện tích 1000 m2, qua nghiên cứu theo dõi từ 40 dòng đạt tiêu chuẩn G0 đã chọn lọc được 6 dòng đạt tiêu chuẩn G1, hiện nay, đang tiến hành thử nghiệm so sánh dòng và tiếp tục chọn lọc các dòng G2. Trong quá trình phục tráng, chọn lọc giống đã tiến hành nghiên cứu xây dựng bản mô tả đặc trưng của giống lúa Nếp Cẩm bản địa theo từng giai đoạn phát triển của cây. Từ các kết quả nghiên cứu xác định tổ hợp phân bón hợp lý, xác định thời vụ trồng, xác định mật độ trồng đối với giống lúa Nếp Cẩm đã hoàn thiện được quy trình sản xuất và thâm canh giống lúa nếp cẩm bản địa tại huyện Bảo Lâm. Năm 2023, tiến hành xây dựng mô hình sản xuất lúa Nếp Cẩm, sử dụng giống lúa đã được chọn lọc phục tráng, với quy mô 5 ha tại xã Yên Thổ và xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm. Kết quả phân tích hàm lượng có trong hạt gạo Nếp cẩm cho thấy: Protein 10,18%, chất béo 4,22%, Amylose 4,74%, Vitamin B1 0,086%, Axít amin 84,22... Với hàm lượng nêu trên, Nếp Cẩm được coi là nguồn gen quý, cần được bảo tồn và phát triển.
 
Mô hình nếp cẩm

Từ kết quả nghiên cứu đã tạo ra giống chuẩn, có chất lượng cao, phục vụ nhân rộng mô hình sản xuất đại trà tại các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, mở ra hướng đi mới để phát triển sản xuất sản phẩm đặc hữu của địa phương. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích vùng trồng, trước tiên người dân cần thay đổi tư duy, có nhận thức đúng trong việc sản xuất hàng hóa, đặc biệt là chú trọng đảm bảo sản phẩm chất lượng, uy tín nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung phát triển thành sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó để phát triển sản xuất thành hàng hóa, đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ Nếp Cẩm cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương để đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đưa sản phẩm gạo Nếp Cẩm Bảo Lâm trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn của địa phương.

Tác giả bài viết: Bế Lưu Băng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay446
  • Tháng hiện tại11,712
  • Tổng lượt truy cập139,171
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây