Hiệu quả từ các dự án nông thôn miền núi góp phần phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh

Chủ nhật - 02/07/2023 22:33
Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi (NTMN) được triển khai thực hiện tại Cao Bằng. Kết quả thực hiện các dự án này tạo được những tiềm năng lớn về ứng dụng tiến bộ KH&CN, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương, góp phần nâng cao trình độ sản xuất và cải thiện đời sống cho người dân
Giai đoạn 2020 - 2022, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 8 dự án thuộc Chương trình NTMN, 3 nhiệm vụ cấp thiết địa phương và hợp tác Bộ, ngành, qua 11 nhiệm vụ được triển khai đã góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư cho tỉnh với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Thông qua các nhiệm vụ, đã chuyển giao cho tỉnh Cao Bằng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới được ứng dụng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, như: trồng và chế biến Hà thủ ô đỏ; sản xuất gạo đặc sản Nếp Hương; sản xuất Lê vàng; sản xuất cây dược liệu; nhân giống, bảo quản và phát triển cây dẻ;...giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho người dân tiếp thu, làm chủ các quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ.

 Dự án: “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản nếp Hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” đã  chuyển giao và tiếp nhận thành công các quy trình công nghệ: quy trình sản xuất hạt giống lúa xác nhận, quy trình thâm canh lúa thương phẩm, quy trình bảo quản, chế biến gạo nếp Hương Bảo Lạc; xây dựng các mô hình sản xuất giống xác nhận, mô hình sản xuất lúa thương phẩm và mô hình chế biến gạo, trong đó có 25 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap góp phần mở rộng diện tích lúa Nếp Hương Bảo Lạc lên trên 100ha. Hiện nay, sản phẩm nếp Hương đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nếp Hương Bảo Lạc”, với chủ sở hữu là Hội Nếp hương Bảo Lạc, đây sẽ là căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Bảo Lạc nhân rộng vùng sản xuất lúa nếp Hương và giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm gạo nếp Hương đã được công nhận  sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu Hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”. Kết quả: tiếp nhận và làm chủ 5 quy trình công nghệ: quy trình nhân giống cây hà thủ ô đỏ; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hà thủ ô đỏ dưới tán rừng; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hà thủ ô tập trung nơi đất trống; quy trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu hà thủ ô đỏ; quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất cao hà thủ ô đỏ quy mô 100 kg cao/mẻ. Tiến hành nhân 540.000 cây giống Hà thủ ô đỏ, trồng cây Hà thủ ô tập trung nơi đất trống với tổng diện tích thực hiện là 08 ha và mô hình trồng phân tán dưới tán rừng với tổng diện tích 15 ha, sản xuất sản phẩm dược liệu khô 1.200 kg và sản phẩm cao Hà thủ ô đỏ là 405 kg. Dự án đã tìm được đầu ra cho sản phẩm và nâng cao giá trị của hà thủ ô đỏ trên thị trường. Việc chủ động nguồn giống tại chỗ sẽ tạo điều kiện mở rộng diện tích trồng hà thủ ô đỏ ra toàn tỉnh, góp phần phát triển và khai thác hiệu quả nguồn dược liệu có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ như: Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lê vàng Đông Khê cho năng suất, chất lượng cao, quy mô hàng hóa trên đất dốc tỉnh Cao Bằng; Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ lạc vùng miền núi tỉnh Cao Bằng; Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất một số cây dược liệu quý (Lan thạch hộc tía, Lan Hoàng thảo đùi gà) tại Cao Bằng; “Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thực vật làm thuốc tại tỉnh Cao Bằng”...

Từ kết quả các dự án đã phát huy tối đa các điều kiện lợi thế về nông nghiệp, tập trung hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng, giá trị cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất đặc thù của địa phương; thúc đẩy sản xuất phát triển gắn với nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất, tạo thương hiệu cho các sản phẩm. Các dự án đã ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao doanh thu, thu nhập cho doanh nghiệp và người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 
Mô hình sản xuất lạc tại huyện Thạch An.

 

Tác giả bài viết: Bế Lưu Băng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay446
  • Tháng hiện tại11,630
  • Tổng lượt truy cập139,089
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây