Thạch Mác Púp

Thứ tư - 29/12/2021 03:49
Thạch là một thức quà giải khát không xa lạ với bất kỳ ai, thạch đen làm từ cây sương sáo; thạch rau câu, thạch dừa, các loại thạch xanh xanh đỏ đỏ đủ màu sắc la liệt ngoài thị trường thì ai cũng biết. Nhưng quê tôi có loại thạch được thiên nhiên ban tặng thơm mát ai được ăn một lần đều nhớ mãi không quên. Không phải loại thạch làm bằng gói bột hóa chất chỉ cần cho một thìa xuống nước khuấy khuấy đã có cả chậu thạch, cũng không phải loại thạch xanh xanh đỏ đỏ của các hãng thực phẩm đóng trong những chiếc cốc nhựa bé xíu vừa ăn vừa lo lắng vì không biết cái thứ mình vừa nuốt vào trong bụng nó có để lại hậu quả về sau không. Là loại thạch được chế biến từ hạt của một loại quả trong tiếng Tày gọi là Mác Púp.
Mác Púp là quả của một loài cây dây leo mọc bám vào những tảng đá vôi trên núi cao hay trên thân cây, gốc cây cổ thụ. Cây bền bỉ chắt chiu nhựa sống từ kẽ đá, hứng trọn nắng gió của đại ngàn để nuôi sống mình, nuôi sống những đứa con tròn trĩnh mà dâng cho đời một thức quà có một không hai. Quả Mác Púp màu xanh, bóng bẩy, to hơn quả vải một chút, bên trong chứa đầy những hạt nhỏ li ti vàng óng. Người ta đem quả về bổ ra lấy hạt phơi khô rồi cho vào miếng vải xô vò thật tỉ mẩn cùng với nước, đến khi cái chất sóng sánh trong hạt tan vào nước làm cho nước dần dần sánh lại là công đoạn vò thạch đã xong xuôi. Thạch vò xong để chừng một tiếng là đã có được món giải khát thơm ngon, vừa mềm mượt vừa mát, sóng sánh màu vàng, trong vắt như nắng mùa thu, ngọt ngào như má người thiếu nữ đương độ xuân thì. Thạch Mác Púp ăn với đường phên đã được nấu thành mật sóng sánh còn thơm mùi mía, đường sậm màu cánh gián quyện với thạch vàng óng ả càng làm cho món thạch thêm đậm màu, đậm vị, thêm vài viên đá lạnh nữa là đã có một món ăn giải khát tuyệt vời. Vị thanh mát của thạch quyện với vị ngọt thơm của đường phên và cái mát lành của viên đá hòa vào nhau, từng miếng thạch đưa lên miệng là trôi tuột xuống cuống họng tưởng mùa hè còn ở đâu xa lắm...
 
Lá thạch Mác Púp (Ảnh: Lục Niên)

Để làm ra được món thạch có màu nắng thu vàng sánh, trong như pha lê thì công đoạn làm thạch cũng lắm công phu, không phải ai cũng làm được bởi khi vò thạch nếu cho quá nhiều nước thì thạch sẽ hơi có vị chua nặng mùi hạt Mác Púp; cho ít nước quá thì thạch không đông, lại hỏng cả bát thạch; vo không khéo thì hạt thạch rơi vào nước cũng hỏng. Làm thạch công phu là thế, nó như là phép thử sự bền bỉ, khéo léo và tinh tế của các chị, các mẹ quê mình. Một điều lạ nữa là cái hạt Mác Púp ấy chỉ có quyện với nước Trùng Khánh mới thành thạch, mang đến nơi khác làm thạch rất khó đông. Nếu không có được những giọt nước chảy ra từ những mạch nguồn sâu thẳm của vùng đất Trùng Khánh thì ít ra nước vò thạch phải được lấy từ những giếng nước được đào thật sâu, nước phải trong vắt và đảm bảo độ tinh khiết thì mới đủ tiêu chuẩn. Thạch Mác Púp kỵ nhất là vò với nước máy nặng mùi flo, dùng loại nước này vò thạch sẽ chẳng bao giờ thành công. Ngày tôi còn đi học xa nhà, từng thấy cô bạn cùng xóm sau kỳ nghỉ hè mang theo cả mấy chai nước to xuống trường, hỏi ra thì mới biết cô nàng định đem món thạch Mác Púp đi quảng cáo. Đi ra khỏi đất quê nhà, đến vùng đất lạ, nước lạ thạch nó không đông, nên dù vất vả vẫn phải cố mang mấy chai nước quê nhà đi theo để chế thạch. Thế mới biết “Nghề ăn cũng lắm công phu”.
Món thạch Mác Púp ăn kèm với nước đường (Ảnh : Lục Niên)

Ngày nay, người dân cũng đã biết đem cây Mác Púp từ trên núi cao về trồng tuy nhiên giống cây này chỉ có thể sinh trưởng tốt và cho sản phẩm chất lượng khi sống trên núi đá hoặc neo mình trên thân cây cổ thụ vốn không còn nhiều kể cả trong các cánh rừng hay những miền quê. Như lòng dạ của con người miền núi quê tôi, dù đi đâu về đâu, điều kiện sống có tốt đến mấy cũng không thấy bằng quê mình, cũng đau đáu niềm nhớ quê, cũng cồn cào khát khao về với đá, với núi, để con người được trở lại với bản thể nguyên xơ tự bao đời. Giống như câu thơ mà Nhà thơ nổi tiếng Y Phương - người con của quê hương Trùng Khánh, Cao Bằng từng chia sẻ: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh; Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Quả Mác púp, thạch mác púp như là hiện thân những phẩm chất của con người quê tôi vậy./.

Tác giả bài viết: Hồng Cư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay973
  • Tháng hiện tại4,810
  • Tổng lượt truy cập132,269
Logo vusta
© LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 852 690  -  Email: lienhiephoicb@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://lienhiephoi.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây